Sau khi phát động, Chương trình tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa đã nhận được sự đón nhận của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) luôn nhận thức rằng giới trẻ chính là động lực chính của sự thay đổi và sáng tạo.
Do vậy, kết hợp với Khu Dự trữ Sinh quyển Quần đảo Cát Bà, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Coca-Cola, UNESCO đã phát động Chương trình tìm kiếm Ý tưởng sáng tạo vì một đại dương không nhựa vào tháng 8/2022. Chương trình nằm trong khuôn khổ Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” được UNESCO triển khai từ năm 2020.
Mục đích của chương trình là tạo cơ hội cho các nhóm thanh niên, nhà khoa học trẻ sử dụng sức trẻ và khả năng sáng tạo của mình để đưa ra các đề xuất và ý tưởng cho vấn đề rác thải nhựa đại dương.
Các bạn trẻ tham gia chương trình có cơ hội được tham quan thực tế và nhận hỗ trợ về mặt kỹ thuật từ các chuyên gia hàng đầu thông qua chương trình cố vấn cũng như hỗ trợ tài chính để thực hiện thí điểm các sáng kiến của họ tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà.
Sau khi phát động, chương trình đã nhận được sự đón nhận của xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ. Tổng cộng đã có 29 đề xuất được gửi đến bởi 104 bạn trẻ đến từ 38 trường, viện trên khắp Việt Nam.
Trao giải và giấy chứng nhận cho các đội chiến thắng
Các đề xuất thể hiện tính đa dạng cao, cả về cách tiếp cận giải pháp cũng như giới tính (cả đội nam và nữ) hay nơi học tập và công tác của người tham gia.
Hội đồng Giám khảo với các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, ô nhiễm nhựa, đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ đã chọn ra 25 bạn trẻ với 6 ý tưởng xuất sắc nhất để vào vòng đào tạo định hướng.
Trong vòng này, UNESCO và Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà đã tổ chức một khóa đào tạo ba ngày để trang bị cho các bạn trẻ tham gia những kiến thức, kỹ năng và thông tin cơ bản liên quan về Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà trong năm 2022.
Ngoài ra, các chuyên gia hàng đầu đã tiếp tục đi cùng các nhóm và hỗ trợ các bạn trong việc điều chỉnh đề xuất để tăng tính thực tế và khả thi cũng như giúp các bạn chuẩn bị cho vòng chung kết.
Sau vòng đào tạo định hướng, 5 đội đã được lựa chọn để đi vào vòng chung kết gồm: Đội 3SR từ Đại học Giáo dục với đề xuất “Sàn giao dịch các sản phẩm STEAM sáng tạo với rác nhựa”; đội GreenB từ BTEC FPT với đề xuất “Thùng rác thông minh – B Trash”; đội Cá Voi đến từ Đại học Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh với đề xuất “Robot CaBaLa”; đội CLEAN UED từ Đại học Sư phạm Đà Nẵng với đề xuất “Thiết bị thu gom rác thải trôi nổi”; đội Giải cứu đại dương từ Trường TH&THCS Hoàng Châu với đề xuất “Tái sử dụng rác thải nhựa vì sự an toàn của cộng đồng”.
Trong vòng chung kết của chương trình diễn ra vào ngày 12/4 vừa qua, các đội được chọn đã có cơ hội trình bày ý tưởng của mình.
Hai đề xuất xuất sắc nhất đã giành được giải Nhất trị giá 80 triệu đồng mỗi giải là đội 3SR từ Đại học Giáo dục và đội CLEAN UED từ Đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Với giải thưởng được trao, các nhóm có nguồn hỗ trợ tài chính thực hiện thí điểm ý tưởng của mình tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà – nơi đang phải đối mặt với những vấn đề rác thải nhựa.
Sáng kiến “Thanh niên và Đổi mới sáng tạo vì Đại dương xanh” thể hiện sự cam kết của UNESCO trong việc hỗ trợ Việt Nam duy trì môi trường biển trong lành và bền vững, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030.
Leave A Comment