Giới thiệu ban quản lý 2018-02-09T08:36:18+07:00

Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà

Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà được thành lập theo Quyết định số 1194/QĐ-UB ngày 13/6/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố, được kiện toàn theo Quyết định số 1088/QĐ-UBND ngày 03/7/2008 của Ủy ban nhân dân thành phố, có các chức năng, nhiệm vụ sau:

  • Lựa chọn những mục tiêu và giải pháp nhằm quản lý bền vững nguồn tài nguyên trong Khu Dự trữ sinh quyển (bao gồm tài nguyên đất, nước, sinh vật, hệ sinh thái, di sản thiên nhiên, di sản văn hóa…)

  • Phối hợp giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về bảo tồn thiên nhiên, thực hiện các chương trình hành động cụ thể đối với bảo tồn thiên nhiên và di sản văn hóa trong Khu Dự trữ sinh quyển; phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm, xâm hại tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa trong Khu Dự trữ sinh quyển;

  • Sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích các nguồn tài trợ ngoài kế hoạch đầu tư của Chính phủ và các dự án của Vườn Quốc gia Cát Bà.

Ban Quản lý Khu DTSQ thế giới Quần đảo Cát Bà có Trưởng Ban là 01 đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố; 03 Phó Trưởng Ban (gồm:  Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Phó Trưởng ban Thường trực), Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, và Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cát Hải. Các ủy viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Tài chính; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Ngoại vụ; Viện Tài nguyên và Môi trường biển; Vườn Quốc gia Cát Bà.

Ban Quản lý có Văn phòng đặt tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Văn phòng đại diện tại huyện Cát Hải đặt tại Vườn Quốc gia Cát Bà.

Một số hoạt động quản lý Khu DTSQ Cát Bà

KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN QUẢN LÝ KHU DTSQ THẾ GIỚI QUẦN ĐẢO CÁT BÀ NĂM 2017

1. Những kết quả đạt được
1.1 Tuyên truyền, quảng bá về các giá trị nổi bật của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà

  • Sản xuất các tài liệu tuyên truyền về Khu DTSQ như: tập gấp giới thiệu về địa chất, các loài dược liệu và thực vật quý hiếm tại Cát Bà, túi vải sinh thái, sách giới thiệu Khu DTSQ, biểu trưng để bàn và huy hiệu gài áo Khu DTSQ v.v.

  • Tổ chức cuộc thi học sinh vẽ về Khu DTSQ Cát Bà lần thứ 2 năm 2017;

  • Tập huấn về bảo vệ chim di cư, bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ và nhân dân các xã vùng đệm và chuyển tiếp;

  • In sổ tay giới thiệu về Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà;

  • Phối hợp với các cơ quan đài báo xây dựng các tin, bài, phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền về Khu DTSQ Cát Bà;

  • Cập nhật thông tin giới thiệu trên website của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà (www.catba.net.vn).

1.2 Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu DTSQ

  • Tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường bảo tồn, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, các loài quý hiếm tại Cát Bà;

  • Tham gia ý kiến về đề án cho thuê môi trường rừng và phương án giá cho thuê môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Cát Bà; qui chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Cát Bà, thực hiện Luật Du lịch v.v.

  • Tham gia ý kiến về qui hoạch chi tiết Khu Bảo tồn biển Cát Bà;

  • Tham gia ý kiến về đề xuất qui hoạch điểm neo đậu lưu trú qua đêm trên vịnh của tàu du lịch tại các vịnh Cát Bà; dự án nâng cấp đường giao thông qua vùng chuyển tiếp Khu DTSQ tại Xuân Đám – Áng Sỏi; dự án nạo vét, xây dựng cảng cá Trân Châu

  • Tham vấn các nghiên cứu quốc tế tại Cát Bà: nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Viện Sinh học nhiệt đới, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng; gia hạn nghiên cứu sinh và hoạt động bảo tồn Voọc Cát Bà của Tổ chức FFI Việt Nam; hoạt động của dự án bảo tồn Voọc Cát Bà;

  • Tham mưu UBND thành phố hoàn thiện các thủ tục đăng ký tham gia Diễn đàn trực tuyến về môi trường ENCYNET của tỉnh Jeju, Hàn Quốc; tham gia Mạng lưới các Khu DTSQ biển đảo thế giới (WNICBR); tham gia ý kiến về đề cử Vịnh Lan Hạ đẹp nhất hành tinh;

  • Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án Bổ sung chức năng, nhiệm vụ về tổ chức bộ máy và kiện toàn thành viên Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển  thế giới Quần đảo Cát Bà trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.

  • Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố về rà soát, sửa đổi bổ sung Qui chế quản lý Khu DTSQ Cát Bà;

  • Xây dựng Chương trình thực hiện Kế hoạch hành động Lima tại Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà giai đoạn 2017-2025, chú trọng phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ, Quỹ Phát triển bền vững, Doanh nghiệp xã hội và hợp tác với Mạng lưới các Khu DTSQ toàn cầu.

1.3 Tổ chức hợp tác quốc tế và trong nước về nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Khu DTSQ

  • Làm việc với các đoàn công tác đến Khu DTSQ Cát Bà: Trung tâm Giáo dục Biến đổi khí hậu Châu Á – Khu dự trữ sinh quyển Jeju, Hàn Quốc tại Cát Bà (từ ngày 11-13/01/2017); Tổ chức Hỗ trợ phát triển tài nguyên xã hội (ASC, Scotland, Vương quốc Anh) tại Cát Bà (từ ngày 25-31/3/2017).

  • Tổ chức các đoàn công tác đi tham dự các hội thảo quốc gia và quốc tế: Hội thảo Thành phố năng động với không gian công cộng: Phát triển vùng bờ tại thành phố Seoul, Hàn Quốc (từ ngày 10/7 – 14/7/2017); Hội thảo khoa học Giá trị và các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà; Hội thảo lần thứ 7 Mạng lưới các Khu DTSQ biển đảo và Tập huấn của UNESCO cho cán bộ quản lý Khu dự trữ sinh quyển biển đảo quốc tế tại Jeju, Hàn Quốc (từ ngày 12/9 – 16/9/2017); tham gia đoàn công tác của Tổ chức MCD tại Khu DTSQ Jeju, Hàn Quốc (từ ngày 23-28/10/2017);

  • Tham dự Tập huấn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu cho khu vực miền Bắc; Tập huấn của IUCN về giá trị đa dạng sinh học Khu vực Quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long tại Cát Bà; Tập huấn của Viện Malik về phương pháp quản lý hiệu quả.

  • Tham dự hội thảo của Học viện hành chính quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0, Hội thảo của Tổng cục Môi trường và Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam về Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; hội thảo liên tỉnh do MCD tổ chức về Ứng phó biến đổi khí hậu tại các Khu DTSQ vùng đồng Bằng Sông Hồng tại Nam Định; Hội thảo tham vấn về bộ tiêu chí và qui trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các Khu DTSQ tại Việt Nam.

  • Tổ chức đoàn công tác của Ban Quản lý đi làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại Khu DTSQ Cần Giờ, Khu DTSQ Langbiang, tham dự hội thảo tổng kết mạng lưới Khu DTSQ Việt Nam tại Tây Nghệ An.

2. Những khó khăn thách thức trong quản lý Khu DTSQ

  • Nguy cơ suy thoái và suy giảm các loài động vật, thực vật quý hiếm và các hệ sinh thái đặc thù của Khu DTSQ: ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động du lịch và nuôi trồng thuỷ sản không tuân thủ quy hoạch khoa học; các nguy cơ tai biến môi trường (thủy triều đỏ, dịch bọ que, công tác phòng và chữa cháy rừng); việc khai thác quá mức và huỷ diệt các nguồn tài nguyên rừng, biển: săn bắt, khai thác trái phép động vật hoang dã, cây cảnh, lâm sản ngoài gỗ; khai thác thủy, hải sản không bền vững và sử dụng cá tự nhiên còn nhỏ làm thức ăn cho cá nuôi lồng bè, hóa chất, xung điện, lưới bát quái v.v.;

  • Công tác xây dựng quy hoạch và quản lý Khu Bảo tồn biển Cát Bà, quản lý bảo vệ ran san hô, cơ chế chia sẻ lợi ích nguồn gen, huy động sự tham gia của cộng đồng còn nhiều khó khăn;

  • Môi trường biển Cát Bà nhìn chung có chất lượng tốt phù hợp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, tại một số khu vực nuôi lồng bè đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ hoặc theo mùa. Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ Quan trắc cảnh báo chất lượng môi trường vùng nuôi cá biển tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 5/2016, Trung tâm Quan trắc Môi trường biển – Viện nghiên cứu Hải sản đã quan trắc, phân tích môi trường nước tại 05 điểm thuộc vùng biển quần đảo Cát Bà gồm: Vụng Giá, Bến Bèo; Vịnh Lan Hạ; Cửa Tùng Gấu; Khu bè Hải Quân. Kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại Cát Bà – Hải Phòng trong tình trạng ô nhiễm, nhiều điểm nguy cơ ô nhiễm ở mức đáng báo động (nồng độ DO, NO3-, NH4+, PO43-, dầu mỡ cao hơn GHCP, chỉ số H’ thấp, tảo độc tố ASP mật độ cao tại Bến Bèo, Vịnh Lan Hạ và Cửa Tùng Gấu).

  • Các rạn san hô phân bố chủ yếu ở vùng nước ven đảo phía Đông Nam quần đảo Cát Bà, như khu vực Cống Lá, Áng Thảm, Ba Trái Đào, Vạn Bội, Cống Híp, Tùng Ngón, Cọc Chèo… tại các độ sâu 3, 6, 9 và 11 mét. Kiểu rạn san hô đặc trưng cho khu vực là kiểu rạn viền bờ và rạn đốm. Các rạn san hô hiện nay đã bị suy giảm đáng kể cả về diện tích và mức độ đa dạng của các nhóm sinh vật sống kèm (độ phủ của san hô sống < 40%), do tác động của biến đổi khí hậu và acid hóa đại dương.

  • Công tác quản lý chưa được chuyên môn hóa, hiện đại: sử dụng công nghệ GIS, quan trắc tự động, cơ sở dữ liệu tài nguyên sống được cập nhật thường xuyên, chưa thành lập Mạng lưới giám sát chất lượng hệ sinh thái và môi trường Khu DTSQ; báo cáo hiện trạng Đa dạng sinh học thường xuyên;

  • Vai trò kết nối của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trong công tác xúc tiến liên kết 05 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, tổ chức quốc tế/NGO) mặc dù có điểm sáng nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; Còn ít mô hình hiệu quả giúp phát huy giá trị của hệ sinh thái và nguồn gen bản địa gắn với thương hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nhằm góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao thu nhập và đời sống người dân;

  • Vị thế và các giá trị, đặc trưng Khu DTSQ thế giới còn chưa được khai thác và phát huy tương xứng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa bàn; công tác xúc tiến, kêu gọi hỗ trợ và hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu cần được đẩy mạnh;

  • Công tác xúc tiến, hội nhập mạng lưới Khu DTSQ quốc tế và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ hội nhập mạng lưới Khu DTSQ quốc tế còn khó khăn.

  • Về Tăng trưởng xanh: các nghiên cứu gần đây đã xác định một số khó khăn, thách thức chính cho Tăng trưởng xanh tại Cát Bà , bao gồm: 1) Xử lý chất thải rắn (phân loại và xử lý rác thải từ sinh hoạt, du lịch và các tàu thuyền; 2) Cấp nước, thoát nước (khai thác nước ngầm, xử lý nước thải sinh hoạt và du lịch, ô nhiễm biển cục bộ) rừng ngập mặn, rạn san hô, 3) Năng lượng (thiếu điện vào mùa du lịch , năng lượng tái tạo chưa phát triển, sử dụng than trong các nhà máy gây phát thải CO2), 4) Bảo vệ môi trường tự nhiên: tác động từ du lịch tới hệ sinh thái, sinh cảnh, hạn chế trong nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, thu phí tham quan thấp không đáp ứng được nhu cầu đầu tư bảo tồn; (5) Giao thông: xe điện còn ít, phương tiện sử dụng dầu diesel còn nhiều gây phát thải ảnh hưởng đến môi trường.
  • Bên cạnh đó, Khu DTSQ Cát Bà cũng chịu nhiều thách thức trực tiếp từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động liên vùng khác, như từ các hoạt động sản xuất, giao thông, dịch vụ từ đất liền. Tình hình quản lý tài nguyên, đang dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn do hiện tượng một bộ phận dân cư địa phương trong mùa nông nhàn vào rừng khai thác trái phép lâm sản, động vật và thực vật hoang dã, chim di cư; tuy số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, nhưng số bẫy động vật rừng trái phép được kiểm lâm phát hiện và tháo dỡ vẫn có xu hướng gia tăng. Các áp lực từ việc phát triển du lịch trong giai đoạn thi công và vận hành cũng sẽ tạo ra những thách thức mới cho việc tăng cường quản lý bảo vệ môi trường, tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.