Tổng quan về Doanh nghiệp xã hội, qui định tại Việt Nam và tiềm năng áp dụng tại Khu DTSQ Cát Bà

//Tổng quan về Doanh nghiệp xã hội, qui định tại Việt Nam và tiềm năng áp dụng tại Khu DTSQ Cát Bà

Tổng quan về Doanh nghiệp xã hội, qui định tại Việt Nam và tiềm năng áp dụng tại Khu DTSQ Cát Bà

1.1 Sơ lược lịch sử phát triển doanh nghiệp xã hội

     Theo Freer Spreckley (1981), Loại hình Hợp tác xã và Doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại châu Âu được đề cập lần đầu năm 1649 bởi Gerrard Winstanley trong cuộc đấu tranh cách mạng Anh. Năm 1659, Peter Cornelius một người Hà Lan sống tại Southampton, qua cuốn sách “Con đường lớn” (A Way Profound), đã khởi xướng về quyền sở hữu chung về đất đai và trong một số hoạt động thương mại.  Năm 1830, một số công nhân xay thất nghiệp tại Hull đã chiếm một nhà máy xay cũ để cung cấp bột mì cho gia đình của họ và cộng đồng khó khăn. Tuy nhiên, cũng do không có quyền sở hữu nhà máy, nhóm này sau đó bị giải tán. Năm 1844: 28 công nhân tại Rochdale góp vốn được 28 bảng để mở cửa hàng riêng, tiền thân của các hợp tác xã thương mại hiện đại. Robert Owen (1771-1858) là người đầu tiên thúc đẩy thành lập những hợp tác xã sản xuất. Ông khởi xướng nhiều ý tưởng lớn như giáo dục cho mọi người, cải thiện điều kiện làm việc, phân bổ tài sản chung cho những người làm ra nó, y tế miễn phí, đặc biệt là giảm giờ làm (từ 80 giờ xuống còn 50 giờ mỗi tuần). Tuy nhiên, hầu hết các hợp tác xã sản xuất theo khởi xướng của Owen đều phá sản, do không có đủ vốn mua máy móc, thiết bị.

     Năm 1970: Bắt đầu Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), phương châm con người hài hòa với thiên nhiên. Năm 1978: Freer Spreckley lần đầu đề cập ý tưởng về phát triển bao quát trên cả 03 góc độ kinh tế, xã hội và môi trường, và mô tả cụ thể trong tác phẩm “Kiểm toán xã hội – Công cụ quản lý hoạt động hợp tác xã” xuất bản năm 1981. Năm 1987: Khái niệm Phát triển bền vững ra đời, do Ủy ban Brundtland của Liên Hiệp Quốc. Thập niên 1990: DNXH đã trở nên quen thuộc tại Vương quốc Anh, chuyển từ sự phụ thuộc vào tài trợ sang tạo doanh thu. Năm 1997, thuật ngữ ba đường tròn giao thoa (triple bottom line) được mô tả chi tiết trong cuốn sách bởi John Elkington. Năm 2005: Ra đời loại hình DNXH đặc trưng tại Vương quốc Anh: Công ty Ích lợi cộng đồng (CIC). Năm 2008: Diễn đàn Doanh nghiệp xã hội Thế giới (Social Enterprise World Forum, SEWF) ra đời và họp lần đầu tại Edinburgh (Scotland, Vương quốc Anh). Năm 2014, Việt Nam chính thức bổ sung loại hình “Doanh nghiệp xã hội” trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Năm 2015: Tạo Hội nghị thượng đỉnh Phát triển bền vững Liên Hiệp Quốc (UN Sustainable Development Summit), các lãnh đạo quốc gia đã thông qua chương trình phát triển bền vững mới nhằm chấm dứt nghèo đói, bảo vệ trái đất và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người; thông qua với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững tới năm 2030 (SDG 2030). Năm 2017: Tại Nghệ An, quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam khởi động chương trình phát triển Doanh nghiệp xã hội trong Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam.

1.2 Hiện trạng, qui mô Doanh nghiệp xã hội

1.2.1 DNXH tại Châu Âu

     Theo thống kê của Ủy ban Châu Âu (2015), tính riêng 19 nước được khảo sát có từ 129.500 đến 243.400 doanh nghiệp xã hội đáp ứng định nghĩa của Liên minh Châu Âu.

     Các lĩnh vực ngành nghề hoạt động chính của các doanh nghiệp xã hội châu Âu gồm: nông, lâm, thủy sản; xây dựng; trung gian tài chính; dịch vụ cá nhân; y tế và công tác xã hội; bán buôn và bán lẻ; dịch vụ cộng đồng; giáo dục và kinh doanh (EC 2015, tr. 34). Các ngành nghề có số lượng lớn DNXH gồm: y tế và công tác xã hội (Romania: 39%, Hungary: 32%), giáo dục (34%, Romania), nông lâm thủy sản (34%, Thụy Điển), kinh doanh (33%, Tây Ban Nha), và dịch vụ cộng đồng (30%, Vương quốc Anh).

     Tại Thụy Sỹ (Gonin & Gachet 2014), năm 2014 có 34.517 doanh nghiệp xã hội; gồm 9.478 hợp tác xã, 7.608 hội, và 17.431 quỹ các loại.

     Theo khảo sát năm 2008, Italy có 13.030 doanh nghiệp xã hội (OECD/EU 2013), trong đó các ngành có nhiều DNXH bao gồm: Y tế, trợ giúp xã hội và dịch vụ y tế cá nhân (6.520 DNXH, chiếm 50%), các đơn vị giáo dục, đào tạo tư thục, dân lập (2.140 DNXH, chiếm 16,4%), và dịch vụ trợ giúp hoạt động cho doanh nghiệp và cá nhân (1.280 DNXH, chiếm 9,8%), du lịch, thương mại (650 DNXH, 5%), và đặc biệt: dịch vụ cấp cao và công nghệ thông tin cho các hãng (550 DNXH, chiếm 4,2%).

1.2.2 Số lượng DNXH tại Châu Á

     Tới năm 2012, Hàn Quốc có 760 doanh nghiệp xã hội được cấp phép hoạt động, trong đó có 723 DNXH đang hoạt động (Bidet & Eum 2015). Hàn Quốc thực hiện thủ tục đăng ký thành lập DNXH từ năm 2007. Thông thường mỗi năm có từ 166-408 hồ sơ đăng ký thành lập DNXH, tỉ lệ đủ tiêu chuẩn cấp phép hoạt động đạt 33-61%. Các ngành nghề hoạt động chính của các DNXH Hàn Quốc (năm 2012), gồm: các dịch vụ xã hội (190 đơn vị), giáo dục (44 đơn vị), văn hóa (109 đơn vị), môi trường (122 đơn vị).

     Thái Lan có khoảng 116.000 DNXH các loại (Jaruwannaphong 2016) hoạt động trong các ngành nghề chính gồm: du lịch bền vững, y tế, năng lượng thay thế, tái chế và chế tạo, nhiều nhất là các ngành nông lâm nghiệp. Doanh nghiệp xã hội tại Thái Lan tồn tại ở các hình thức chính như: Tổ chức Phi chính phủ (15%), Doanh nghiệp vừa và nhỏ/Doanh nhân trẻ (22%), Chi nhánh của các tập đoàn (2%), Hợp tác xã (22%), các tổ chức cộng đồng (39%).

1.2.3 DNXH tại Australia

     Theo nghiên cứu của FASES, năm 2016 tại Australia có khoảng 20.000 DNXH; trong đó, 73% là doanh nghiệp nhỏ, 23% là doanh nghiệp vừa và 4% là doanh nghiệp lớn. 38% DNXH đã hoạt động trên 10 năm, 34% là doanh nghiệp hoạt động từ 2-5 năm (Social Trader 2016); trong đó:

     – Về loại hình pháp lý: 33% là hiệp hội, 32% là công ty Trách nhiệm hữu hạn, và 18% là công ty cổ phần;

     – Về ngành nghề: DNXH Australia chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ: 68% (trong đó, 24% là doanh nghiệp bán lẻ, và 23% hoạt động y tế);

     – Về mục đích: 34% DNXH được thành lập với mục tiêu chính là tạo việc làm có ý nghĩa cho những nhóm cụ thể; 34% DNXH được sáng lập để phát triển các giải pháp mới cho xã hội, văn hóa, kinh tế và môi trường;

     – Đối tượng hưởng lợi: 35% phục vụ người khuyết tật, 33% hỗ trợ thanh niên và 28% hỗ trợ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.

1.2.4 Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam

     Có nhiều số liệu khác nhau về số lượng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Chẳng hạn, nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), năm 2012 Việt Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp xã hội; đồng thời cả nước có khoảng hơn 165.000 đơn vị làm công tác xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận (VNP 2016). Theo CIEM, về tác động kinh tế, xã hội: Bình quân một DNXH có số vốn đăng ký ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng tạo việc làm cho khoảng 51 lao động, trong đó có 18 lao động có hoàn cảnh khó khăn; lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng và cải thiện cuộc sống cho 2.262 đối tượng, bên cạnh đó còn tạo ra nhiều các giá trị xã hội và môi trường khác.

     Trong khi đó, nghiên cứu năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, ghi nhận, trong hơn 1 năm, số lượng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam đã tăng lên gấp đôi, từ khoảng 3.000 doanh nghiệp lên hơn 6.000 doanh nghiệp (ĐTCK 2016).

2. Nghiên cứu về DNXH

2.1 Cấu trúc của Thế giới quan nghiên cứu

     Theo Guba và Lincoln (1994), cách tiếp cận / thế giới quan nghiên cứu (paradigm) là những hệ thống quan niệm căn bản được hình thành bởi các ý niệm về bản thể luận (ontology), nhận thức luận (epistemology) và phương pháp luận (methodology):

     – Bản thể luận: quan niệm về bản chất của sự tồn tại của sự vật, hiện tượng;

     – Nhận thức luận: hình thái, cách thức tạo nên ý nghĩa của sự vật, hiện tượng;

     – Phương pháp luận: trình tự các bước, phương pháp, kỹ thuật được sử dụng để nghiên cứu, tìm ra sự thật về hiện tượng, sự vật cần nghiên cứu; bao gồm thu thập, phân tích dữ liệu, báo cáo v.v.

     Có thể phân biệt các cách tiếp cận nghiên cứu theo các trường phái nghiên cứu khoa học (paradigm) cơ bản như:

     – Trường phái thực chứng (positivism): sự vật, hiện tượng đã “có sẵn” ở đó, và chỉ cần “kiểm chứng” chúng; cách tiếp cận nghiên cứu thực chứng thường được áp dụng trong khoa học tự nhiên, nghiên cứu sử dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật định lượng;

     – Trường phái kiến tạo (constructivism): bản chất tồn tại của sự vật, hiện tượng là do sự cảm nhận và kiến tạo của các bên liên quan; ý nghĩa được tạo ra theo cảm nhận của chủ thể; cách tiếp cận kiến tạo thường áp dụng trong khoa học xã hội, sử dụng nhiều phương pháp định tính;

     – Ngoài ra còn có một số trường phái nghiên cứu khác, như trường phái phê bình (critical research); trường phái bình đẳng giới (feminism), v.v.

     Theo quan điểm hệ thống, mô hình nghiên cứu về DNXH cần được xem xét tổng thể trên cả 04 cấp độ của tư duy, thông qua: xem xét hiện tượng/hiện trạng, lịch sử phát triển, hệ sinh thái những yếu tố cấu tạo hệ thống và môi trường, động lực ảnh hưởng đến sự vận hành của doanh nghiệp xã hội; đồng thời cần làm rõ mô hình tư duy của các bên liên quan đến doanh nghiệp xã hội (Hình 1).

Hình 1: Mô hình tư duy hệ thống về Doanh nghiệp xã hội (Nguồn: Tác giả điều chỉnh theo: Maani & Cavana 2007, Nguyen, Bosch & Nguyen 2016)

     2.2 Phân loại các nghiên cứu về DNXH

Granados và cộng sự (2011) đã phân tích 286 bài báo trong số 1.343 báo cáo nghiên cứu các loại về doanh nghiệp xã hội trên khắp thế giới trong giai đoạn 1991 đến 2010. Kết quả phân loại theo nhận thức luận và phương pháp luận được trình bày tại các Bảng 1 và Bảng 2.

Về bản thể luận luận, đa số các nghiên cứu là phân tích lý thuyết (71%) và mô tả (21%); 52% số bài báo theo tính chất thăm dò, 42% là phân tích khái niệm, và 6% phân tích dự đoán (Granados và cộng sự 2011).

Bảng 1: Phân loại các nghiên cứu DNXH theo bản thể luận (Granados và cộng sự 2011)

Về phương pháp luận, theo Granados và cộng sự (2011) đa số các nghiên cứu về DNXH trong giai đoạn 1991-2010 sử dụng phương pháp luận nghiên cứu hỗn hợp (55%), hầu hết thông qua các nghiên cứu trường hợp điển hình (82%) và khảo sát (90%).

     Bảng 2: Phân loại các nghiên cứu DNXH theo phương pháp luận (Granados và cộng sự 2011).

Các kỹ thuật/phương pháp nghiên cứu về Doanh nghiệp xã hội được trình bày tại Hình 2:

Hình 2: Các kỹ thuật/ phương pháp nghiên cứu về DNXH (nguồn Granados và cs 2010)

3. Giảng dạy về DNXH

Hiện nay, tại Trường Kinh doanh, Đại học Havard (2017), doanh nghiệp xã hội là môn học được giảng dạy cho tất cả sinh viên năm thứ nhất theo một giáo trình bắt buộc chung cho sinh viên tất cả các ngành, là môn tự chọn cho năm thứ hai. Một số môn học về DNXH như: Kinh doanh ở đáy kim tự tháp; Kinh doanh và Đổi mới công nghệ trong giáo dục; Đầu tư cho Tác động; Lãnh đạo Doanh nghiệp xã hội; Kinh doanh công cộng; Xây dựng các thành phố và Hạ tầng bền vững; Vai trò của Nhà nước trong Kinh tế Thị trường.

Nhiều trường đại học trên thế giới có các chương trình, môn học về DNXH như Đại học Châu Á và Thái bình dương, Phillippines (môn “Kinh danh xã hội và Quản lý”, bắt đầu giảng dạy từ năm 2000), Đại học Cambridge (UC 2017) đã đào tạo chương trình Thạc sỹ Doanh nghiệp xã hội và Phát triển cộng đồng, từ năm 2008, Đại học Queensland, Australia có 03 môn học về doanh nghiệp xã hội: Doanh nghiệp xã hội và Phi Lợi nhuận, Kinh doanh xã hội trong thực tiễn và Ươm tạo doanh nhân xã hội (UQ 2017).

Tại Việt Nam DNXH chưa được giảng dạy rộng rãi tại các trường đại học, nhưng nhiều trường đã có khoa về Công tác xã hội (HPU 2016), quản trị kinh doanh, kinh tế v.v. có thể xem xét xây dựng và lồng ghép các môn học về doanh nghiệp xã hội. Việc đào tạo, tập huấn về doanh nghiệp xã hội, ươm tạo doanh nhân xã hội, cuộc thi sáng kiến xã hội đang được nhiều cơ quan, tổ chức thúc đẩy, thực hiện.

4. Khái niệm và tiêu chí DNXH

4.1 Khái niệm

Thuật ngữ doanh nghiệp xã hội được khởi xướng bởi Freer Spreckley năm 1978 sau đó được mô tả chi tiết trong cuốn “Kiểm toán xã hội – Công cụ quản lý cho hoạt động Hợp tác xã” xuất bản năm 1981; theo đó DNXH được xem là:

“Doanh nghiệp được sở hữu bởi những người làm việc trong đó và/hoặc sinh sống tại một địa phương nhất định, được điều hành theo những mục đích xã hội và thương mại đã đăng ký và hoạt động một cách hợp tác” (Spreckley 1981). Mô hình doanh nghiệp truyền thống là “vốn làm chủ lao động” và trọng tâm lớn nhất là lợi nhuận trên hết và cao hơn mọi lợi ích của kể cả doanh nghiệp hay là lực lượng lao động. DNXH là “lao động làm chủ vốn”, vượt qua được sự “bóc lột” của vốn, với trọng tâm về các lợi ích xã hội, môi trường và tài chính.

Năm 1999, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển định nghĩa “doanh nghiệp xã hội là “mọi hoạt động tư nhân được thực hiện vì lợi ích công cộng, tổ chức theo một chiến lược kinh doanh, nhưng mục đích chính không phải là thu lợi nhiều nhất mà để đạt được những mục tiêu xã hội và kinh tế cụ thể, và có khả năng đưa lại các giải pháp sáng tạo cho việc xử lý các vấn đề như lề hóa xã hội và thất nghiệp (OECD/EU 2013).

Ủy ban Châu Âu năm 2011 đã định nghĩa DNXH là “một đơn vị hoạt động trong nền kinh tế tập thể, có mục tiêu chính là tạo ra tác động xã hội thay vì tạo lợi nhuận cho chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông. DNXH hoạt động bằng cách cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cho thị trường theo những cách kinh doanh sáng tạo, và sử dụng lợi nhuận để đạt được các mục tiêu xã hội. DNXH được quản lý theo cách mở và trách nhiệm, nhất là, có sự tham gia của công nhân, người tiêu dùng và các bên liên quan chịu ảnh hưởng vởi các hoạt động thương mại của nó” (EC 2011).

4.2 Đặc điểm chung của cách tiếp cận DNXH

     – Đặc điểm 1: DNXH là kinh doanh vì lợi ích chung không vì lợi ích riêng.

Hình 3: Khung phân tích DNXH y tế tại Nhật Bản (Nguồn: Kurimoto, 2015)

          – Đặc điểm 2: DNXH là một cách tiếp cận đa chiều, đa lĩnh vực và mọi quy mô.

Hình 4: Góc nhìn đa chiều về DNXH: (Theo Spreckley 1981)

     – Đặc điểm 3: DNXH là cách tiếp cận động cho Phát triển bền vững.

DNXH, cùng với sự phát triển của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cung cấp một góc nhìn mới, như là một mô hình/ cách tiếp cận mới và hiệu quả cho Phát triển bền vững đầu thế kỷ 21, khác với cách nhìn “tĩnh” truyền thống từ thập niên 1970 (Hình 5):

Hình 5: DNXH và CMCN 4.0: Đề xuất cách tiếp cận mới cho Phát triển bền vững

     – Đặc điểm 4: Vị trí “trung tâm” của doanh nghiệp xã hội trong kinh tế thị trường

Doanh nghiệp xã hội là cách tiếp cận mới. Khác với doanh nghiệp thông thường (doanh nghiệp chỉ kinh doanh thương mại thuần túy, coi lợi nhuận là mục tiêu) và tổ chức từ thiện (ít tạo ra lợi ích kinh tế, phụ thuộc vào tài trợ, bảo trợ, hoặc bao cấp), doanh nghiệp xã hội là những tổ chức kinh doanh sử dụng lợi nhuận làm công cụ để giải quyết các vấn đề và nhu cầu của xã hội và môi trường.

DNXH vì vậy có vị trí quan trọng trong các loại hình kinh doanh trong nền kinh tế thị trường (dù tồn tại dưới nhiều hình thức tổ chức kinh tế, doanh nghiệp khác nhau), đặc biệt là về khả năng lý tưởng trong việc kết hợp giữa sáng kiến tạo ra lợi nhuận với mục tiêu phục vụ cộng đồng, sáng tạo xã hội (Hình 6).

Hình 6: Vị trí của Doanh nghiệp xã hội với góc nhìn là một loại hình  kinh doanh trong bức tranh Kinh tế thị trường

4.3  Tiêu chí DNXH tại Việt Nam

Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2014: Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

– Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp;

– Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

– Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Các qui định cụ thể về DNXH tại: Luật Doanh nghiệp (Điều 10); Nghị định 96/2015/NĐ-CP và Thông tư 04/2016/TT-BKHĐT.

     5. Quá trình hình thành và phát triển của một DNXH

Có nhiều nghiên cứu về động lực và quá trình hình thành, phát triển các doanh nghiệp xã hội. Các nghiên cứu có xu hướng thống nhất rằng DNXH khởi nguồn từ khát vọng, nỗ lực sáng tạo của các cá nhân mong muốn cải thiện thực tại bên ngoài và giải quyết các nhu cầu của xã hội; DNXH cũng trải qua các giai đoạn phát triển như doanh nghiệp truyền thống, nhưng những thách thức trong giai đoạn đầu về nguồn lực và kinh nghiệm thì lớn hơn nhiều so với của doanh nghiệp thương mại. Đôi khi, sự phát triển, lớn mạnh của các DNXH không theo một đường thẳng, mà là một quá trình không ngừng cải tiến, học hỏi, rút kinh nghiệm và trưởng thành (Hình 7). Những hỗ trợ ban đầu từ các chính sách của nhà nước, các nguồn tài trợ và những khoản đầu tư của xã hội là rất cần thiết để tạo điều kiện tiền đề thúc đẩy, chắp cánh cho các sáng kiến DNXH.

Hình 7: Đường tới thành công của DNXH (Nguồn: Scottish Government Social Research 2010)

5.2 Các động lực tự thân của DNXH

Ở cấp độ tổ chức, để đi tới thành công, DNXH cần vun đắp và phát huy những khả năng nội lực như: học hỏi và sáng tạo, kiên định mục tiêu giá trị, quản trị tốt và trình độ quản lý tài chính bền vững, nâng cao sức cạnh tranh để khẳng định chỗ đứng trong thị trường (Hình 8).

Hình 8: 04 yếu tố tự thân giúp DNXH thành công (Nguồn: Scottish Government Social Research 2010)

    Việc đánh giá hiệu quả và tác động xã hội của DNXH là công việc thường xuyên của ban lãnh đạo DNXH và cần có phương pháp cụ thể, đồng bộ (có thể phải được chính thống hóa bằng các qui định, qui ước của các hiệp hội chuyên môn và bản thân các DNXH). Điều này cũng góp phần khẳng định và quáng bá những đóng góp cụ thể của các DNXH cho cộng đồng, xã hội và đất nước.

Một số khung logic để đánh giá hiệu quả tác động xã hội nói chung và tác động xã hội của DNXH nói riêng có thể được tham khảo tại nghiên cứu của Ủy ban Châu Âu (2016), minh họa tại Hình 9 và Hình 10.

Hình 9: Khung logic đánh giá hiệu quả đầu tư xã hội (Nguồn: EC 2016)

Hình 10: Chuỗi giá trị cho tác động xã hội (Nguồn: EC 2016)

     6. Triển vọng Phát triển DNXH

     1. Khu Dự trữ sinh quyển: Mô hình khung cho Phát triển bền vững và DNXH

Là một danh hiệu quốc từ những năm 1970, thuộc Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO. Các Khu Dự trữ sinh quyển (DTSQ) thế giới có sứ mệnh “hài hòa con người và thiên nhiên”, thông qua sáng tạo và thúc đẩy các sáng kiến bảo tồn và phát triển bền vững ở cấp độ cảnh quan, qui mô địa phương, vùng và xuyên biên giới. Hiện có 669 Khu DTSQ tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bản thân khái niệm và thiết kế của các Khu DTSQ cũng phản ánh triết lý doanh nghiệp xã hội ở cấp độ cảnh quan: “bảo tồn cho phát triển, phát triển cho bảo tồn” (Hình 11), trong đó các lợi ích từ phát triển kinh tế được tái đầu tư cho bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và việc bảo tồn thiên nhiên tạo tiền đề để phát triển các hoạt động kinh tế bền vững, thân thiện với môi trường (như du lịch sinh thái, tham quan Vườn quốc gia, khu bảo tồn v.v.)

Hình 11: Khu DTSQ – Mô hình DNXH vĩ mô “bảo tồn cho phát triển, phát triển cho bảo tồn” (Nguồn: PGS.TS Nguyễn Văn Thành, GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, ThS Lê Thanh Tuyên 2015)

2. Quỹ Phát triển bền vững Khu DTSQ Cát Bà – Tiềm năng chuyển đổi Quỹ thành DNXH

Quỹ được thành lập năm 2020. Mục đích nhằm trao giải thưởng sáng kiến, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đóng góp cho việc Bảo tồn và Phát triển Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà đột xuất hoặc hàng năm; có thể tài trợ một phần cho các chương trình, dự án, đề tài có khả năng thực thi mang lại giá trị khoa học thực tiễn, hiệu quả cho Khu DTSQ.

Quỹ đang xem xét, kiện toàn, chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp xã hội theo qui định tại Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 (Điều 7. Chuyển cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội và quỹ từ thiện thành doanh nghiệp xã hội).

3. Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà – Tiềm năng chuyển đổi tổ chức nghề nghiệp/sự nghiệp công thành DNXH

Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà là biểu tượng (logo) của Khu DTSQ Cát Bà, lấy hình Voọc đầu vàng (Voọc Cát Bà) là điểm chính cùng các hình ảnh về dãy núi đá vôi màu xanh lá cây và hình ảnh nước biển. Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ tổng thể. Nhãn hiệu chứng nhận sinh thái và chỉ dẫn địa lý này có thể đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy và hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và xuất khẩu những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của các doanh nghiệp và DNXH tại Khu DTSQ Cát Bà.

 

Hình 12: Trao Nhãn hiệu chứng nhận Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà cho doanh nghiệp dịch vụ đạt tiêu chuẩn

     Nhãn hiệu chứng nhận sinh thái và chỉ dẫn địa lý này có thể đóng vai trò là một công cụ hữu hiệu để thúc đẩy và hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và xuất khẩu những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao của các doanh nghiệp nói chung và DNXH nói riêng tại Khu DTSQ Cát Bà.

Để vận hành Nhãn hiệu Khu DTSQ tốt hơn, có thể thành lập một Đơn vị DN tập thể/DNXH, chuyên thực hiện sứ mệnh thúc đẩy nâng tầm sản xuất, kinh doanh tại Cát Bà theo tiêu chuẩn quốc tế (mời UNESCO và các tổ chức cố vấn/chứng nhận thương hiệu quốc tế (ISO, GAP, Du lịch bền vững WTO .v. hỗ trợ)

     4. CLB Doanh nhân Sinh quyển Cát Bà – Tiềm năng chuyển Câu lạc bộ/ Hội thành DNXH

Câu lạc bộ doanh nhân Sinh quyển đã được thành lập từ năm 2010, với 18 đơn vị thành viên. Mục tiêu: Liên kết nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ; Tuyên truyền, quảng bá tạo đầu ra cho sản phẩm; Cùng nhau giữ bản quyền thương hiệu Khu DTSQ Cát Bà; Xây dựng văn hóa kinh doanh văn minh sinh thái chất lượng cao tại Cát Bà.

Tuy nhiên, vì với hình thức là câu lạc bộ, chưa chính thức hóa nên hoạt động còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Ban quản lý Khu DTSQ Cát Bà đang hỗ trợ, thúc đẩy để hoàn thiện bộ máy, phương thức hoạt động của câu lạc bộ doanh nghiệp này, hoặc có thể tiến tới thành lập một đơn vị, doanh nghiệp tập thể, chuyên thực hiện sứ mệnh thúc đẩy nâng tầm sản xuất, kinh doanh tại Cát Bà theo tiêu chuẩn quốc tế (sẽ mời UNESCO và các tổ chức cố vấn/chứng nhận thương hiệu quốc tế (ISO, GAP, Du lịch bền vững v.v.) và khởi nghiệp DNXH tham gia hỗ trợ.

     5. Liên kết 4 nhà để sáng tạo sản phẩm mới – Tiềm năng Công ty (TNHH/Cổ phần) chuyển thành DNXH

     Công ty Cổ phần thương mại thực phẩm Trường xanh đã liên kết với bà con nông dân trồng cây Hồng hoa Hibicus tại Cát Bà. Đây là giống cây trồng rất phù hợp với địa hình và thổ những khô cằn trên đảo đá vôi Cát Bà. Cây Hồng Hoa vừa dễ trồng vừa cho năng suất cao gấp 3-4 lần cây lúa, doanh thu mỗi ha đạt từ 80-100.000.000 đồng/ha/năm, thu hoạch từ 2-3 vụ/năm; góp phần tạo thêm nhu nhập cho các hộ dân trên đảo Cát Bà.

Song song với việc thu mua sản phẩm, Công ty hỗ trợ kỹ thuật, phân bón cho bà con; đồng thời đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ chế biến các sản phẩm mới giá trị cao từ cây hồng hoa Cát Bà. Hiện nay Công ty đã phát triển được 07 sản phẩm từ loại đặc sản này, gồm: rượu vang hồng hoa, trà hồng hoa, mứt hồng hoa, nước giải khát hồng hoa, màu thực phẩm tự nhiên chiết xuất từ cánh hồng hoa, si-rô hồng hoa và rượu vodka hồng hoa (Hình 13). Các sản phẩm đã có mặt ở các siêu thị trong nước, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm hàng nông nghiệp hữu cơ trong nước và quốc tế. Năm 2011-2013, Công ty đã thành công với dự án “Đối tác – Đổi mới – Sáng tạo”, được Bộ Khoa học & Công nghệ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan hỗ trợ và đánh giá là 10/400 đề tài xuất sắc. Với triết lý hoạt động “Ngoài cái tâm còn phải có cả sự nhiệt huyết, đam mê”, Công ty đã vang đang nhân rộng mô hình và hoạt động ra các huyện thuộc địa bàn Hải Phòng và nhiều tỉnh, thành phố khác; góp phần tạo sinh kế mới, nâng cao thu nhập, xóa nghèo cho bà con nông dân.

Hình 13: Một số sản phẩm Nhãn hiệu Khu DTSQ Cát Bà của Công ty Cổ phần thương mại Thực phẩm Trường Xanh

     6. Tổ hợp tác Homestay Cát Bà – Ecolife Café Ngọc Linh, xã Phù Long – Tiềm năng chuyển Tổ hợp tác thành DNXH

Năm 2012, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được hình thành với sự trợ giúp của Trung tâm MCD tại xã rừng ngập mặn Phù Long, do18 hộ dân tự nguyện thành lập và vận hành. Mô hình này có các nhóm như: nấu ăn, nghỉ tại nhà dân (homestay), hướng dẫn tham quan (làng quê, rừng ngập mặn, hang động đá vôi), nuôi trồng thủy sản, chèo thuyền vận chuyển khách, ca nhạc dân gian (chèo, múa quạt…) phục vụ khách du lịch. Với việc đẩy mạnh quảng bá và liên kết với các đơn vị lữ hành, hoạt động của mô hình ngày càng ổn định, tạo thu nhập gia tăng cho các hộ dân địa phương.

Hình 14: Anh Vũ Hồng Hưng, chủ nhiệm mô hình du lịch sinh thái cộng đồng xã Phù Long (Cát Bà) chở khách đi thăm quan rừng ngập mặn

     Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản tại Cát Bà cũng xuất hiện nhiều sáng kiến, mô hình tương đồng như liên kết trồng, tiêu thụ hồng hoa, mật ong, cam, rau sạch, nuôi cua, nhuyễn thể thân thiện rừng ngập mặn, du lịch, giải trí tại khu nuôi cá lồng sinh thái trên biển…

Hình 15: Một số tiềm năng phát triển DNXH tại Cát Bà

     7. Hợp tác xã môi trường Thành Vinh, quận Dương Kinh, TP. Hải Phòng – Tiềm năng Hợp tác xã chuyển thành DNXH

Thôi thúc bởi vấn đề xư lý chất thải nông thôn và sự an toàn cho sức khỏe con người, sự sạch đẹp của môi trường sống tại địa phương; năm 2008, người phụ nữ Đoàn Thị Mơ, tại quận Dương Kinh, thành phố Hải Phòng quyết tâm gây dựng, thành lập Hợp tác xã môi trường Thành Vinh, đơn vị tư nhân đầu tiên của Hải Phòng thực hiện chủ trương xã hội hóa thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Hợp tác xã đã cùng chính quyền địa phương họp bàn với các hộ dân, xây dựng qui ước về thu gom xử lý chất thải, mức phí và thời gian, địa điểm thu gom rác; đồng thời đầu tư các xe ôtô chuyên dùng, xe gom rác, dụng cụ và trang bị bảo hộ cho công nhân. Hàng ngày HTX thu gom, vận chuyển gần 70 tấn rác thải mỗi ngày trên địa bàn nhiều phường xã của các quận, huyện tại Hải Phòng; tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Hợp tác xã thúc đẩy thực hiện phương thức 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng). Rác thải thu gom được xử lý theo hai công đoạn: rác hữu cơ được tách và xử lý, chế biến thành phân bón vi sinh; số rác còn lại được tài chế, chôn lấp hoặc thiêu đốt theo tùy loại. HTX đang đầu tư, hoàn thiện sáng chế lò đốt rác công nghệ mới, có thể đốt rác không còn tro, tận dụng nguồn nhiệt để tạo máy phát điện, thắp sáng miễn phí cho các làng xã lân cận.

Hình 16: Minh họa các hoạt động của HTX Thành Vinh

     9. Thay lời kết

DNHX có tiềm năng là một cách tiếp cận mới cho Phát triển bền vững. Phát triển bền vững, hay sự phát triển đem lại phồn vinh cho mọi người, hài hòa với thiên nhiên và tôn vinh các giá trị nhân văn là khát vọng và mục đích mà loài người đã và đang tìm kiếm xuyên qua hai thiên niên kỷ gần đây. Việc cùng nhau làm kinh tế, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm về việc lựa chọn và vận hành công việc kinh tế chung đó – theo hướng vì mình, vì nhau và vì cộng đồng rộng lớn hơn – đã xuất hiện có lẽ còn sớm hơn từ giữa thế kỷ 17, với sự manh nha của mô hình hợp tác xã. Doanh nghiệp xã hội đầu thế kỷ 21 cho thấy rằng, việc làm tế/kinh doanh vì tập thể, hoặc tập thể làm kinh tế/kinh doanh không nhất thiết chỉ gói gọn trong mô hình hợp tác xã. Kinh doanh bền vững cần phải vượt qua mục tiêu lợi nhuận và lợi ích chỉ dành riêng cho nhóm thành viên hay cổ đông. Xa hơn, lợi ích từ việc kinh doanh và giá trị của sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội phải vươn tới cộng đồng rộng lớn hơn, xã hội, và môi trường sinh thái của Trái đất. DNXH đã cho thấy tiềm năng trở thành một cách tiếp cận mới và hiệu quả cho Phát triển bền vững ở mọi qui mô, lĩnh vực.

DNHX có tiềm năng là một cách tiếp cận mới cho Phát triển bền vững. Phát triển bền vững, hay sự phát triển đem lại phồn vinh cho mọi người, hài hòa với thiên nhiên và tôn vinh các giá trị nhân văn là khát vọng và mục đích mà loài người đã và đang tìm kiếm xuyên qua hai thiên niên kỷ gần đây. Việc cùng nhau làm kinh tế, cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm về việc lựa chọn và vận hành công việc kinh tế chung đó – theo hướng vì mình, vì nhau và vì cộng đồng rộng lớn hơn – đã xuất hiện có lẽ còn sớm hơn từ giữa thế kỷ 17, với sự manh nha của mô hình hợp tác xã. Doanh nghiệp xã hội đầu thế kỷ 21 cho thấy rằng, việc làm tế/kinh doanh vì tập thể, hoặc tập thể làm kinh tế/kinh doanh không nhất thiết chỉ gói gọn trong mô hình hợp tác xã. Kinh doanh bền vững cần phải vượt qua mục tiêu lợi nhuận và lợi ích chỉ dành riêng cho nhóm thành viên hay cổ đông. Xa hơn, lợi ích từ việc kinh doanh và giá trị của sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội phải vươn tới cộng đồng rộng lớn hơn, xã hội, và môi trường sinh thái của Trái đất. DNXH đã cho thấy tiềm năng trở thành một cách tiếp cận mới và hiệu quả cho Phát triển bền vững ở mọi qui mô, lĩnh vực.

Việt Nam có nhiều tiềm năng và đã hội đủ điều kiện để đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp xã hội, trên các lĩnh vực ngành nghề, an sinh xã hội, an ninh, an toàn và phát triển nông thôn mới, phát triển bền vững. Đảng và Nhà nước đã ban hành kịp thời các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội bền vững; trong đó bao gồm kinh tế nhà nước, tập thể và tư nhân. Chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được thấm nhuần vào mọi cá nhân, doanh nhân, tổ chức ở mọi cấp độ địa phương, tỉnh/thành phố và quốc gia; Đây là tiền đề quan trọng cho việc triển khai hiệu quả cách làm kinh tế vì môi trường, vì xã hội, vì con người theo mô hình doanh nghiệp xã hội đã được thể chế hóa;

Để khởi nghiệp một DNXH cần bắt đầu từ “ý tưởng sáng tạo” về nhu cầu, sản phẩm hay dịch vụ có thể kinh doanh tạo lợi nhuận, nhưng lại có tác dụng phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng; đi liền với ý tưởng đó là cam kết dành phần lớn hoặc hầu hết lợi nhuận thặng dư (ít nhất 51%) để tạo ra thêm những sáng kiến, dự án, DNXH mới tiếp tục theo cách đó.

Các sáng kiến DNXH cần bắt nguồn và hướng tới khôi phục, làm giàu các bản sắc tốt đẹp riêng có của mỗi cộng đồng về sinh kế, văn hóa và môi trường; dù chặng đường đi đến thành công của các doanh nghiệp xã hội không phải chỉ là “trải bước trên hoa hồng”, mà chắc chắn luôn có nhiều thử thách đòi hỏi nghị lực, tâm huyết và trí tuệ vươn lên mạnh mẽ. Và đương nhiên, sự thành công của DNXH luôn cần có cả sự chung tay, hỗ trợ của các yếu tố bên ngoài, ở cấp độ vi mô và vĩ mô; như chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ, khách hàng, tiêu chuẩn ngành và năng lực cạnh tranh trong thị trường.

Sự thành công của một mô hình DNXH không chỉ cần có “một ý tưởng tốt”, mà còn đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh đồng bộ, và một môi trường hỗ trợ phù hợp.  Đối với các hộ dân ở nông thôn, cần có những chương trình tập huấn giúp họ có kiến thức, năng lực để chuyển đổi sang các ngành nghề dịch vụ, hoặc chuyển mình thành những doanh nhân làm nông nghiệp. Các doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực giá trị, chất lượng sản phẩm phục vụ du khách, người tiêu dùng; tăng cường gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mặt bằng chất lượng chung theo hiệp hội; ưu tiên sử dụng lao động, nguyên liệu, sản phẩm tại địa phương; khai thác triệt để uy tín, thương hiệu chất lượng vì cộng đồng. Cần tháo gỡ các khó khăn về vốn và năng lực kinh doanh; nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp nói chung và DNXH nói riêng tại Việt Nam.

Khu DTSQ là một nền tảng đa ngành cho phát triển DNXH. Các Khu dự trữ sinh quyển thế giới đáp ứng nhiều tiêu chí để trở thành bệ phóng vững chắc cho việc nhân rộng DNXH trên toàn cầu; trên nhiều lĩnh vực như bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sinh kế bền vững, quản lý tổng hợp vùng bờ, ứng phó biến đổi khí hậu và hợp tác quốc tế. Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà đã và đang chứng tỏ vai trò là “phòng thí nghiệm học tập cho phát triển bền vững”, có nhiều tiềm năng, sáng kiến cho phát triển loại hình DNXH, phương châm “bảo tồn cho phát triển, phát triển cho bảo tồn”./.

 

By | 2017-10-25T08:20:35+07:00 October 23rd, 2017|Uncategorized @vi|0 Comments

Leave A Comment