PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ KHU DTSQ 2017-10-23T14:48:50+07:00

PHỔ BIẾN KIẾN THỨC VỀ KHU DTSQ

  1. Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO
  2. Khái niệm khu dự trữ sinh quyển
  3. Căn cứ lựa chọn Cát Bà là Khu DTSQ thế giới (7)
  4. Tuyển tập 200 câu hỏi và trả lời liên quan đến đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên và Khu DTSQ

 

Khu dự trữ sinh quyển là gì?

Theo quan niệm trước đây, các khu bảo tồn thiên nhiên thường được xem như  một khu vực tách biệt với thế giới loài người. Quan niệm này đã dẫn đến những sai lầm trong việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên. Kết quả là thiên nhiên vẫn liên tục bị con người tác động theo hướng tiêu cực: tàn phá mà nguyên nhân là do những áp lực xã hội và sinh thái cả trong và ngoài khu bảo tồn. Theo Chương trình Con người và Sinh quyển (Man and Biosphere Program; viết tắt là: MAB thuộc UNESCO) thực tế cho thấy các khu bảo tồn vẫn cần có một số khu vực không có hoặc chịu rất ít tác động của con người với những quy định kiểm soát chặt chẽ, được gọi là “vùng lõi”. Bên cạnh đó cần thúc đẩy phát triển kinh tế thân thiện với môi trường, phát triển giáo dục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống ở các vùng xung quanh được gọi là các “vùng đệm”  và chuyển tiếp trong đó, người dân địa phương đóng vai trò chủ chốt. Có như vậy công tác bảo tồn mới đạt được hiệu quả lâu dài và bền vững.

Khái niệm khu DTSQ lần đầu tiên được MAB đưa ra tại hội nghị khoa học ‘Sử dụng hợp lý và bảo tồn tài nguyên của Sinh quyển’ tổ chức tại Paris vào tháng 9/1968 với sự tham gia của 236 đại biểu đến từ 63 nước và 88 đại diện của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ của nhiều ngành khoa học khác nhau cùng các nhà quản lý và ngoại giao. Sau này được gọi là “Hội nghị Sinh quyển” do UNESCO tổ chức với sự ủng hộ tích cực của Tổ chức Lương thực, Tổ chức Y tế thế giới, các tổ chức bảo tồn và chương trình sinh học quốc tế thuộc Hội đồng Khoa học Quốc tế (IBP/ICSU).

     Mục đích của việc xây dựng Khu dự trữ sinh quyển

Việc xây dựng khu DTSQ là nhằm giải quyết một trong những vấn đề thực tiễn quan trọng nhất mà con người đang đối mặt hiện nay: đó là là làm thế nào để có thể tạo nên sự cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên với sự thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, duy trì các giá trị văn hoá truyền thống đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người. Mô hình khu DTSQ vừa cung cấp cơ sở lý luận vừa là công cụ thực hiện chương trình nghiên cứu đa quốc gia về tác động qua lại giữa con người và sinh quyển. Về mặt phương pháp luận và cách tiếp cận cơ bản, khu dự trữ sinh quyển là: “Con người là một phần của sinh quyển”, là “Công dân sinh thái”.

“Sinh quyển” là thuật ngữ đã trở nên quen thuộc trong đời sống quốc tế hiện nay, nó được sử dụng rộng rãi. Tại hội nghị Thượng đỉnh Trái đất về Môi trường tổ chức tại Stockholm, Thụy Điển năm 1972, cụm từ ‘Hội nghị Sinh quyển’ thường được nhắc tới khi đánh giá các vấn đề môi trường một cách bao quát và toàn diện. Các nhà khoa học, nhà quản lý nhất trí với nhau rằng: việc sử dụng và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên phải đi đôi với phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân hơn là đối lập, cần khuyến khích những cách tiếp cận nghiên cứu và quản lý để đạt được mục tiêu này.

Vào năm 1969, Ban Tư vấn Khoa học của MAB đã đề xuất việc thành lập mạng lưới hợp tác trên toàn thế giới, bao gồm cả các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển và các hình thức bảo tồn khác phục vụ cho công tác bảo tồn cũng như đẩy mạnh các công trình nghiên cứu, giáo dục và đào tạo. Các chức năng cơ bản của mạng lưới này bao gồm: đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng di truyền, loài, hệ sinh thái và duy trì  đa dạng sinh học (chức năng bảo tồn); tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu và giám sát, giáo dục và trao đổi thông tin giữa các địa phương, quốc gia và quốc tế về bảo tồn và phát triển bền vững (chức năng hỗ trợ); kết hợp chặt chẽ giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế nâng cao mức sống người dân và đây cũng chính là nhân tố cơ bản đảm bảo cho sự thành công của công tác bảo tồn (chức năng phát triển).

Như vậy, khu DTSQ sẽ là phòng thí nghiệm sống cho việc nghiên cứu, giáo dục, đào tạo và giám sát các hệ sinh thái, đem lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương, quốc gia và quốc tế. Trần Nghị (tổng hợp)