Ngày 04/11/2022, tại Khu Dự trữ Sinh quyển (DTSQ) quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải, Tp. Hải Phòng, Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBQG Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam, Ban Quản lý Khu DTSQ quần đảo Cát Bà đã tổ chức Hội thảo tổng kết Mạng lưới các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam 2022 – Phát triển bền vững Khu dự trữ sinh quyển và vai trò của thanh niên.
Tham dự Hội thảo có Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hóa và UNESCO – ông Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Xã hội nhân văn và Tự nhiên – bà Nguyễn Thanh Hà; Phó Cục trưởng Cục bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học – bà Hoàng Thị Thanh Nhàn; Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam – GS. TS Nguyễn Hoàng Trí; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – Uỷ viên thường trực Ban quản lý khu DTSQ quần đảo Cát Bà – Ông Bùi Thanh Tùng; lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố có khu DTSQ thế giới; Đại diện Tiểu ban Khoa học Tự nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ; Đại diện UBQG UNESCO của Việt Nam; Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội; đại diện 11 Ban quản lý Khu DTSQ thế giới của Việt Nam và các doanh nghiệp quan tâm tới lĩnh vực sinh quyển cùng đông đảo các nhà khoa học; Đại diện Tổ chức UNDP tại Hà Nội và Lãnh đạo các Sở, ban, ngành của địa phương.
Năm 2022 là giai đoạn khó khăn sau đại dịch Covid-19, tuy nhiên các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tiếp tục nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái và các loài động thực vật quý hiếm trong vùng lõi; thúc đẩy chức năng phát triển và hỗ trợ của Khu DTSQ thông qua nhãn hiệu Khu DTSQ; sinh kế bền vững; lan toả sự tham gia của cộng đồng, thanh thiếu niên và các nhà khoa học trong hoạt động của Khu DTSQ; hỗ trợ và phối hợp thực hiện các dự án trong và ngoài nước, thực hiện các hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức và tham gia các diễn đàn và sự kiện quốc tế. Việt Nam đã được công nhận 11 Khu DTSQ thế giới. Các khu DTSQ thế giới của Việt Nam có những đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước và những cố gắng của nhân loại trước mắt cũng như lâu dài.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã có cơ hội được nhận thức rõ hơn về tính thống nhất liên quan mật thiết với nhau của môi trường chúng ta đang sống; kết nối với Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam và khu vực; chia sẻ sự phong phú của môi trường sống không chỉ ở môi trường tự nhiên nguyên sơ mà còn về văn hóa, lịch sử và truyền thống – đây là một kho báu để bảo tồn trong tương lai cho các thế hệ.
Đánh giá hoạt động năm 2022
Trong năm 2022, nổi bật nhất của MAB Việt Nam là sự kế thừa và tiếp tục thực hiện Kế hoạch Hành động LIMA 2016 – 2025 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện và triển khai; UNESCO đánh giá cao hoạt động của Chương trình MAB Việt Nam, cũng như hoạt động của các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam.
Bộ KH&CN đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc gia UNESCO và MAB Việt Nam tiếp tục hỗ trợ cho các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam. Đến nay, các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam đã triển khai các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia nghiên cứu về các vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội như du lịch sinh thái, bảo tồn văn hóa, xây dựng nhãn sinh thái, mô hình sinh kế bền vững cho người dân,… góp phần vào phát triển bền vững cho địa phương. Các nhà khoa học trong lĩnh vực tự nhiên đã phối hợp liên ngành với các nhà khoa học trong lĩnh vực xã hội, văn hóa, dân tộc, du lịch,… để tìm ra những mô hình phát triển bền vững.
Các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ Ban quản lý (Ban điều phối) khu sinh quyển thế giới, các bên liên quan và người dân thực hiện các hoạt động bảo tồn và phát triển.
Nghiên cứu khoa học được triển khai mạnh tại các khu sinh quyển thế giới của Việt Nam. Nội dung nghiên cứu đa dạng như nghiên cứu loài sinh vật, đa dạng sinh học, bảo tồn văn hóa – lịch sử, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển sinh kế, nghiên cứu phát triển du lịch, nghiên cứu xây dựng mô hình bảo tàng thiên nhiên, đánh giá diễn thế phục hồi hệ sinh thái, hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nhãn sinh thái, xác định bể chứa cacbon hữu cơ trong đất…
Kế hoạch Hành động Lima được coi là phương hướng chung, định hướng hoạt động cho toàn bộ mạng lưới các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam. Hầu hết các hoạt động trong năm 2022 của các Khu DTSQ của Việt Nam đã được triển khai và đang tiến hành đúng hướng, các Khu DTSQ đang tiếp tục duy trì các hoạt động này trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch Hành động Lima; một trong những bài học kinh nghiệm quan trọng nhất cho tất cả các Khu DTSQ là sự quan tâm chỉ đạo và tạo điều kiện giúp đỡ từ các UBND tỉnh, thành phố trực tiếp quản lý, đây là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất đảm bảo cho sự thành công của các Khu DTSQ.
Phương hướng hoạt động năm 2023 thực hiện Kế hoạch hành động Lima và những năm tiếp theo
Năm 2023, MAB Việt Nam và các Khu DTSQ tiếp tục thực hiện kế hoạch của Việt Nam nhằm triển khai 04 mục tiêu chiến lược và 05 lĩnh vực hành động của Chiến lược MAB đến 2025 và kế hoạch hành động Lima.
Triển khai việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam trong hợp tác quốc tế và đánh giá việc thực hiện Kế hoạch hành động LIMA tại một số Khu DTSQ; quảng bá những bài học thành công của các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam trong quá trình thực hiện Kế hoạch hành động LIMA.
Trong giai đoạn tới, các nhiệm vụ nghiên cứu triển khai theo các chủ đề sau: Doanh nghiệp Xã hội, Khoa học mở, Sức khỏe hệ sinh thái, quản trị (Governance), giáo dục vì phát triển bền vững, di sản và hệ thống di sản, hiến chương Trái Đất và Công dân Sinh thái. Các đề tài nghiên cứu sẽ là chìa khóa cho hoạt động của các Khu DTSQ trong quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và phát triển bền vững của đất nước.
Bộ KH&CN với vai trò là Trưởng Tiểu ban Khoa học Tự nhiên sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Chương trình Con người và Sinh quyển cũng như các Khu DTSQ thế giới của Việt Nam thực hiện các chiến lược và chương trình hành động của MAB, hướng tới thực hiện và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Leave A Comment