Về nâng cao năng lực Quản lý, bảo vệ Môi trường và Đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, Quần đảo Cát Bà, Bạch Long Vỹ năm 2017
I. Các hoạt động đã triển khai
1. Xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản, hướng dẫn về quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại địa bàn
– Phối hợp xây dựng và thực hiện các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố về: phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng Vườn quốc gia Cát Bà; qui chế quản lý hoạt động du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Cát Bà, qui chế hoạt động quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà, qui chế quản lý môi trường và hoạt động du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; qui hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cát Bà.
– Tham mưu kiện toàn tổ chức và qui chế quản lý Khu DTSQ thế giới Quần đảo Cát Bà trình Ủy ban nhân dân thành phố.
2. Các hoạt động tăng cường năng lực, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại địa bàn
2.1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà:
– Sản xuất các tài liệu tuyên truyền về Khu DTSQ như: tập gấp giới thiệu về địa chất, các loài dược liệu và thực vật quý hiếm tại Cát Bà, túi vải sinh thái, sách giới thiệu Khu DTSQ, biểu trưng để bàn và huy hiệu gài áo Khu DTSQ v.v.
– Tổ chức cuộc thi học sinh vẽ về Khu DTSQ Cát Bà lần thứ 2 năm 2017;
– In sổ tay giới thiệu về Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà;
– Phối hợp với các cơ quan đài báo xây dựng các tin, bài, phóng sự, phim tài liệu tuyên truyền về Khu DTSQ Cát Bà;
– Cập nhật thông tin giới thiệu trên website của Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà (www.catba.net.vn).
– Tổ chức thực hiện các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường bảo tồn, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, sắp xếp lồng bè nuôi trồng thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, các loài quý hiếm tại Cát Bà;
– Tham gia ý kiến về đề án cho thuê môi trường rừng và phương án giá cho thuê môi trường rừng tại Vườn Quốc gia Cát Bà; qui chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái trong Vườn Quốc gia Cát Bà, thực hiện Luật Du lịch v.v.
– Tham gia ý kiến về qui hoạch chi tiết Khu Bảo tồn biển Cát Bà;
– Tham gia ý kiến về đề xuất qui hoạch điểm neo đậu lưu trú qua đêm trên vịnh của tàu du lịch tại các vịnh Cát Bà; dự án nâng cấp đường giao thông qua vùng chuyển tiếp Khu DTSQ tại Xuân Đám – Áng Sỏi; dự án nạo vét, xây dựng cảng cá Trân Châu.
– Tham vấn các nghiên cứu quốc tế tại Cát Bà: nghiên cứu của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), Viện Sinh học nhiệt đới, Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam, Học viện Khoa học và Công nghệ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga thuộc Bộ Quốc phòng; gia hạn nghiên cứu sinh và hoạt động bảo tồn Voọc Cát Bà của Tổ chức FFI Việt Nam; hoạt động của dự án bảo tồn Voọc Cát Bà;
– Tham mưu UBND thành phố hoàn thiện các thủ tục đăng ký tham gia Diễn đàn trực tuyến về môi trường ENCYNET của tỉnh Jeju, Hàn Quốc; tham gia Mạng lưới các Khu DTSQ biển đảo thế giới (WNICBR); tham gia ý kiến về đề cử Vịnh Lan Hạ đẹp nhất hành tinh;
– Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Đề án Bổ sung chức năng, nhiệm vụ về tổ chức bộ máy và kiện toàn thành viên Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, quyết định.
– Nghiên cứu, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố về rà soát, sửa đổi bổ sung Qui chế quản lý Khu DTSQ Cát Bà;
– Xây dựng Chương trình thực hiện Kế hoạch hành động Lima tại Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà giai đoạn 2017-2025, chú trọng phát triển Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ, Quỹ Phát triển bền vững, Doanh nghiệp xã hội và hợp tác với Mạng lưới các Khu DTSQ toàn cầu.
2.2 Vườn Quốc gia Cát Bà:
– Tuyên truyền trực tiếp trong khi đi làm nhiệm vụ là: 1.338 lượt người; trên loa phát thanh các xã 33 buổi, Vịnh Lan hạ 22 lượt; rừng ngập mặn 11 lượt.
– Tuần tra, kiểm tra rừng: 1.322 lượt. Tuần tra, kiểm tra rừng ven biển, trên vịnh: 716 lượt; Khảo sát, điều tra Vọoc: 317 buổi; Phục bắt: 65 buổi; Nắm bắt thông tin: 177 buổi; Kiểm soát tại bến phà, bến tàu: 354 buổi;
– Kiểm tra phương tiện: 23 phương tiện thuyền; Trục xuất các đối tượng ra khỏi khu vực trạm quản lý: 161 lượt người;
– Phá 01 điểm bắn tại khu vực Áng Tôm (Trà Báu);Thu, phá bẫy: 558 bẫy các loại
– Trong năm 2017 Vườn sử lý 03 vụ vi phạm luật bảo vệ và phát triển rừng, xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng, nộp kho bạc Nhà nước huyện Cát Hải.
– Hạt Kiểm lâm Vườn đã chỉ đạo thực hiện tuần tra, kiểm soát tại những khu vực có tiểu quần thể Voọc đang sinh sống. Năm 2017 có 08 cá thể Voọc được sinh ra, tuy nhiên cũng có những cá thể Voọc non bị chết. Theo số liệu quan sát, giám sát hiện nay số lượng thường thấy là 57 cá thể Voọc Cát Bà.
– Thống kê cơ sở nuôi trồng thủy sản trên vịnh trong diện tích Vườn quốc gia Cát Bà quản lý của các Trạm Kiểm lâm là 163 cơ sở nuôi trồng.
– Năm 2017 Hạt kiểm lâm Vườn phối hợp cứu hộ và thả 03 cá thể động vật hoang dã về tự nhiên.
– Phối hợp với Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng tổ chức kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trong địa bàn Vườn quản lý.
– Phối hợp cùng các ban ngành của huyện Cát Hải tuyên truyền, ngăn chặn, tháo dỡ, thu giữ và tiêu hủy một số dụng cụ bẫy bắt chim di cư.
Công tác Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng VQG Cát Bà
– Tham mưu, lập Đề án cho thuê môi trường rừng, đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng.
– Tham mưu, hoàn thiện việc xây dựng, chỉnh sửa, thẩm định của các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân thành phố ký các quyết định phê duyệt: Đề án cho thuê môi trường rừng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn Vườn quốc gia Cát Bà; Phương án giá cho thuê môi trường rừng; Quy chế quản lý các hoạt động du lịch sinh thái Vườn quốc gia Cát Bà (đến nay Đề án cho thuê môi trường rừng và quyết định phướng án giá cho thuê môi trường đã được phê duyệt).
– Tham mưu xây dựng, trình thẩm định và Ủy ban nhân dân thành phố ký quyết định phê duyệt Chấp thuận chủ trương thuê môi trường rừng thực hiện dự án đầu tư phát triển dịch vụ du lịch sinh thái kết hợp bảo vệ tài nguyên môi trường rừng tại Áng Kê thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà; Chấp thuận chủ trương thuê môi trường rừng thực hiện Dự án đầu tư du lịch sinh thái tại Vườn Quả – Áng Nội thuộc phân khu phục hồi sinh thái Vườn Quốc gia Cát Bà.
– Xây dựng, bổ sung thông tin quảng bá du lịch dich vụ trên cổng thông tin điện tử của Vườn và website tiếng Anh của Trung tâm, trên các trang mạng facebook, twiter, youtube để giới thiệu quảng bá du lịch của Vườn đối với khách trong nước và quốc tế.
– Tham gia triển lãm hình ảnh tại hội trợ thương mại du lịch. Tăng cường công tác tiếp thị, xúc tiến hợp tác với các hãng lữ hành, công ty du lịch, các trường đại học trong và ngoài nước, phối hợp với Trung tâm Hướng dẫn và phát triển du lịch Cát Bà thường xuyên chiếu phim tuyên truyền giới thiệu quảng bá hình ảnh Vườn trên màn hình Led tại khu trung tâm du lịch cảng cá Cát Bà trong những đợt cao điểm mùa du lịch.
– Tham mưu xây dựng Đề án Kiện toàn Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ môi trường rừng, trình Sở Nội vụ thẩm định.
– Phối hợp với Ban quản lý các vịnh Cát Bà tiến hành công tác tuyên truyền, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường biển.
– Phối hợp với một số tour du lịch tổ chức các hoạt động du lịch tình nguyện cho du khách tham gia dọn vệ sinh để từ đó tuyên truyền, giáo dục ý thức cho cộng đồng địa phương.
– Phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Phòng Tổ chức Hành chính, thường xuyên kiểm tra các hoạt động du lịch sinh thái tại các điểm liên doanh liên kết đầu tư phát triển du lịch trong Vườn để rà soát các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, các hoạt động xả thải ra môi trường theo sự chỉ đạo của Thành phố và Sở Nông nghiệp PTNT.
– Tại Trung tâm Vườn, tổ chức đón tiếp, giới thiệu hướng dẫn đảm bảo an toàn cho 58.000 lượt khách (trong đó khách nước ngoài: 19.000 lượt khách; khách Việt Nam: 39.000 lượt), vượt 25% kế hoạch năm 2017, so với năm trước tăng 30%.
Công tác Bảo tồn biển, đất ngập nước VQG Cát Bà:
– Hoàn thiện nhân sự phòng mới thành lập theo Quyết định số 1876/QĐ-UBND ngày 24/7/2017 của UBND thành phố Hải Phòng về việc kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cơ cấu tổ chức của Vườn Quốc gia Cát Bà thành phố Hải Phòng.
– Tiến hành thu thập các số liệu liên quan đến tài nguyên nước.
2.3 Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ:
– Đã tổ chức 02 hội nghị bàn giải pháp và phối hợp công tác bảo tồn biển với các cơ quan, đơn vị liên quan (Công an, Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển…) trên địa bàn huyện.
– Tuyên truyền, phát cho nhân dân, ngư dân trên đảo 2.000 tờ rơi tuyên truyền về các quy định của khu bảo tồn biển và danh sách 22 loài thủy sinh quí hiếm, có nguy cơ tuyệt tuyệt chủng đã được đưa vào danh mục và ưu tiên bảo vệ, bảo tồn phát triển.
– Phối hợp với Đài phát thanh và các khu dân cư thường xuyên tuyên truyền cho quân dân huyện đảo và ngư dân khai thác thủy sản trên ngư trường về các qui định liên quan đến công tác bảo tồn biển.
– Triển khai lắp đặt các pano tuyên truyền về công tác bảo tồn biển tại khu vực âu cảng, các khu vực tập trung đông dân cư.
– Triển khai lắp đặt biển báo về phạm vi khu bảo tồn biển và qui định về bảo vệ nguồn lợi tại một số khu vực ven biển.
3. Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học
3.1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà:
– Tập huấn về bảo vệ chim di cư, bảo vệ và phát triển rừng cho cán bộ và nhân dân các xã vùng đệm và chuyển tiếp;
3.2 Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ:
Triển khai thường xuyên công tác tuần tra, bảo vệ nguồn lợi trong khu bảo tồn. Đã phát hiện và phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng ngăn chặn, xử lý 891 trường hợp vi phạm qui định về bảo tồn biển, trong đó:
+ Có 714 trường hợp vi phạm khai thác ốc trong danh mục cấm trên bãi triều.
+ 41 trường hợp vi phạm khai thác bào ngư ven bờ.
+ 111 trường hợp tàu lặn khai thác thủy sản trái phép trong khu bảo tồn biển; chủ yếu là khai thác trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và phân khu phục hồi sinh thái.
+ Phát hiện 25 trường hợp vi phạm khai thác vùng mặt nước ven bờ của thuyền lan nhỏ bằng phương thức lặn bắt.
Đặc biệt, từ tháng 7/2017 đến nay, Đội tuần tra kiểm soát thường xuyên phát hiện tàu số hiệu QNG 95431 khai thác thủy sản bằng phương thức lặn vòi trong khu bảo tồn biển. Nghi vấn 04 trường hợp tàu khai thác thủy sản bằng mìn, đã thông báo cho lực lượng biên phòng theo dõi.
– Quan trắc, giám sát, đánh giá chất lượng môi trường: Định kỳ hàng ngày quan trắc các yếu tố môi trường nước biển cơ bản (nhiệt độ, độ mặn, pH).
– Theo dõi, giám sát các hoạt động của tàu, thuyền đánh bắt hải sản, các hoạt động xây dựng (hồ chứa nước, cảng tây bắc,..), hoạt động dân sinh gây xả nước thải, rác thải ra khu bảo tồn, ảnh hưởng tới môi trường chung của đảo và khu bảo tồn.
Ngày 01/9/2017 đã lập 01 biên bản ghi nhận việc xả nước thải trái phép của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Haco (Nhà thầu xây dựng hồ chứa nước) ra khu bảo tồn biển (khu vực âu 54); đã yêu cầu công ty có giải pháp xử lý nước thải từ công trình xây dựng đảm bảo môi trường và báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét xử lý. Tiếp tục, ngày 07/10/2017 lập biên bản ghi nhận việc xả nước thải trái phép của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Haco, báo cáo Ủy ban nhân dân huyện xem xét xử lý
3.3 Vườn Quốc gia Cát Bà:
– Thực hiện các nội dung công việc theo đúng tiến độ và chất lượng 02 đề tài cấp thành phố, đảm bảo đạt 100% so với kế hoạch đặt ra.
– Ký phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam dự án: “Nâng cao năng lực cộng đồng và phát triển sinh kế thông qua xây dựng mô hình cộng đồng để bảo tồn, phát triển và sử dụng hợp lý cây dược liệu Xạ đen (Celastrus sp.); Ba kích (Morinda offcinalis How.) và Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học VQG Cát Bà tại xã Trân Châu, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng”.
– Tham gia thực hiện đề tài cấp nhà nước: “Nghiên cứu xây dựng mô hình cộng đồng bảo tồn và sử dụng hợp lý tài nguyên đa dạng sinh học Khu dự trữ sinh quyển Quần đảo Cát Bà” do Viện nghiên cứu Lâm sinh chủ trì thực hiện.
– Triển khai các hoạt động nghiên cứu Vọoc.
– Phối hợp làm việc với Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga theo công văn số 296/SNN-DTSQ về việc nghiên cứu sinh thái và đa dạng sinh học khu vực biển Cát Bà.
– Góp ý vào dự thảo Nghị định Chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu; Dự thảo Kế hoạch triển khai Kế hoạch hành động Lima về các Khu dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2016-2025; Dự thảo Đề án đăng ký Vịnh Lan Hạ là vinh đẹp nhất thế giới
– Cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ lập đề án quy hoạch không gian biển thành phố Hải Phòng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
– Đưa ra danh mục khu vực phải thiết lập hành lang bảo về bờ biển trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
– Xây dựng Kế hoạch triển khai trong năm 2017 về những vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao của Vườn.
– Viết 12 đề xuất nhiệm vụ khoa học theo công văn các Bộ, Ngành;
– Đề xuất 02 đề tài/dự án sản xuất thử nghiệm thực hiện từ năm 2018 thuộc chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
– Đề xuất 03 chương trình, dự án về việc triển khai quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 01 chương trình, dự án về việc thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg- ngày 28/6/2017 của Thủ tướng chính phủ.
4. Bảo tồn các hệ sinh thái, loài và nguồn gen
4.1 Khu Dự trữ sinh quyển Cát Bà và Vườn Quốc gia Cát Bà
– Về đa dạng sinh học: Đến năm 2017 Khu DTSQ Cát Bà và vùng lân cận đã ghi nhận 4.637 loài động vật và thực vật trên cạn, nước ngọt, ngập mặn và dưới biển; bao gồm: 2.449 loài trên cạn: Thú: 72, Chim: 214, Bò sát: 72, Ếch nhái: 33, Thân mềm trên cạn: 150, Thực vật bậc cao: 1.589, Nấm: 44, Côn trùng: 274; 14 loài nước ngọt: cua nước ngọt 3, cá nước ngọt: 11; 37 loài thực vật ngập mặn; và 2.137 loài dưới biển: rong biển 160, cỏ biển 4, thực vật phù du 450, động vật phù du 154, động vật đáy 734, san hô 247, cá biển 361, rùa biển 4, thú biển 4 (cá heo), rắn biển 7, tảo biển 12. Trong đó, có khoảng 83 loài đặc hữu (72 loài động vật đặc hữu và 21 loài thực vật đặc hữu); 114 loài quý hiếm trong danh lục đỏ IUCN (gồm 110 loài san hô, 3 loài rùa biển, 1 loài thú biển) và 14 loài trong Sách đỏ Việt Nam (động vật đáy 6 loài, san hô 1 loài, rùa biển 4 loài, thú biển 1 loài). Voọc Cát Bà là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới trong Danh lục đỏ của IUCN từ năm 2000; hiện chỉ còn một quần thể tự nhiên với khoảng dưới 60 cá thể phân bố ở quần đảo Cát Bà. Sơn dương lại là loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất tại đảo Cát Bà, hiện chỉ còn dưới 20 cá thể.
– Về đa dạng hệ sinh thái : Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà là những ví dụ nổi bật đại diện cho các quá trình tiến hóa sinh thái đang tiếp diễn tại vùng ven biển, hải đảo với sự đa dạng cao về các loài động vật, thực vật trên cạn và dưới biển. Tại quần đảo Cát Bà đã hình thành 07 hệ sinh thái nhiệt đới cận chí tuyến điển hình, bao gồm: rừng nguyên sinh trên đảo đá vôi; rạn san hô; rừng ngập mặn; vùng triều; hồ nước mặn (chiếm 1/3 của thế giới); hang động; đáy mềm.
Đảo Cát Bà là một tiểu lục địa trên biển, với nhiều kiểu hệ sinh thái đá vôi các-tơ đặc hữu như: “Ao Ếch” (đất ngập nước ngọt trên thung đá vôi ở độ cao 100m so mực nước biển), “Tùng” (vịnh nhỏ ở bờ biển có địa hình các-tơ, hoặc thung lũng đá vôi các-tơ hở), “Áng” (thung lũng đá vôi các-tơ kín hoặc ngập nước mặn/ngọt). Trên đảo có rừng nguyên sinh nhiệt đới gió mùa rộng hơn 1.000 ha, 698 ha rừng ngập mặn và rạn san hô tốt nhất ven bờ vịnh Bắc Bộ.
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì:
– Thả 106.600 con giống thủy sản (cá song, cá vược, tôm sú, cá đối mục) ra vùng biển Cát Bà để tái tạo, phát triển quỹ gen khắc phục sự suy giảm nguồn lợi thủy sản, cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên, bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học;
– Bảo tồn giống gà Liên Minh (số lượng 1.500 con đang được chăn nuôi trong 17 hộ tại thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải; giống lợn Móng Cái (số lượng 100 con nái ông bà được chăn nuôi, lưu giữ bới công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hải Phòng);
4.2 Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ:
Kết quả khảo sát tại khu vực vùng triều ven biển Bạch Long Vĩ đã bắt gặp 63 loài. Trong đó, có 05/22 loài thuộc danh mục 22 loài quý hiếm cần được bảo vệ, bao gồm: Ốc đụn cái (Trochus maculatus), Ốc đụn đực (T.pyramis), Ốc hương (Nerita albicilla), Ốc xà cừ (Turbo marmoratus), Vọp tím (Asaphis dichotoma). Đã thu mẫu, lập hồ sơ gốc theo dõi sự biến động về mật độ, sinh lượng, trữ lượng các loài trong khu vực này.
+ San hô tại Bạch Long Vỹ:
Kết quả điều tra tại 12 trạm mặt cắt tại KBTB Bạch Long Vĩ cho thấy thành phần loài san hô cứng khá đa dạng và phong phú, tổng số loài ghi nhận được 95 loài thuộc 30 giống, 12 họ của bộ san hô cứng (Scleractinia).
Hiện trạng độ phủ san hô tại các mặt cắt khảo sát quanh đảo có sự khác nhau lớn, thấp nhất là phía Đông nam 9,26%, cao nhất ở khu vực rạn Tây bắc 39,88%, trung bình trên toàn khu vực rạn là 21,60%. So sánh hiện trạng độ phủ trung bình san hô với các nghiên cứu thời gian trước đây: (Nguyễn Huy Yết, 1993-độ phủ 30,60%); (Đỗ Văn Khương, 2006-độ phủ 26,88%); (Nguyễn Văn Hiếu, 2011-độ phủ 18,75%).
Như vậy có thể thấy rạn san hô đã suy giảm độ phủ theo thời gian, mức suy giảm là 11,85% độ phủ từ năm 1993 đến 2011. Tuy nhiên kết quả khảo sát tháng 9/2017 cho thấy các rạn san hô đang trong điều kiện phát triển thuận lợi, độ phủ có xu hướng phục hồi trở lại (21,60%), đây là dấu hiệu khả quan của công tác bảo tồn trong một vài năm gần đây.
Nghiên cứu khảo sát cho thấy một số nguyên nhân tác động bất lợi đến rạn san hô vẫn đang diễn ra như: Khai thác huỷ diệt, hoạt động neo đậu tàu thuyền trên rạn san hô, phát triển cơ sở hạ tầng (công trình quy mô lớn: cảng, hồ chứa nước,…).
+ Bào ngư tại Bạch Long Vỹ:
Kết quả điều tra, phân tích các mẫu vật thu được tại 12 trạm khảo sát tại vùng biển huyện Bạch Long Vĩ cho thấy, phân bố của loài bào ngư chín lỗ (Haliotis diversicolor) tại các trạm khảo sát là rất ít. Trung bình trên toàn vùng nghiên cứu, mật độ dao động từ 0 đến 4 cá thể/500 m2, mật đô trung bình toàn đảo là 1,25 cá thể/500 m2. So sánh với kết quả của Nguyễn Văn Hiếu, 2013 mật độ trung bình ghi nhận là 16,3 cá thể/500m2¬ mật độ giảm đi khoảng hơn 90%.
Kết quả phân tích kích thước chiều dài vỏ các cá thể bào ngư chín lỗ thu được trên các trạm khảo sát tại vùng biển Bạch Long Vĩ cho thấy, nhóm chiều dài vỏ có tần suất bắt gặp được là từ 2,9 – 5,3 cm và kích thước trung bình 4,72 cm. Trong đó, nhóm chiều dài vỏ có kích thước vỏ từ 2,5 – 4,9 cm chiếm ưu thế, chiếm trên 60% số cá thể bắt gặp; nhóm chiều dài trên 5,0 – 6,0 cm chiếm số lượng thấp hơn khoảng 33,33%; thấp nhất là nhóm kích thước > 6,0 cm chỉ chiếm 6,67% và không bắt gặp nhóm có kích thước dưới 2,5 cm.
Khối lượng trung bình của bào ngư tại các khu vực khảo sát dao động từ 6,5 – 39,94g/cá thể, khối lượng trung bình tổng thể đạt 15,84 g/cá thể. So với kết quả của Nguyễn Văn Hiếu, 2013 quần đàn bào ngư tự nhiên Haliotis diversicolor có trọng lượng trung bình cá thể 22,1g tương đương gần 50 cá thể/1kg thì hiện tại bào ngư có khối lượng thấp hơn nhiều.
5. Xây dựng các đề tài nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước về đa dạng sinh học
5.1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà:
+ Xúc tiến xây dựng và sử dựng cơ sở dữ liệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà (gồm module môi trường và đa dạng sinh học);
+ Tham vấn ý kiến về Đề tài Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí và quy trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) của Việt Nam” (do Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện năm 2016-2018);
5.2 Vườn Quốc gia Cát Bà:
+ Năm 2017, VQG Cát Bà đề xuất 07 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố năm 2017, gồm: (1) Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống và trồng thử nghiệm cây Củ Gió (Tinospora capillipes Gagnep) tại Vườn Quốc gia Cát Bà – Hải Phòng; (2) Nghiên cứu xây dựng các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) có sự tham gia của người dân tại Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng; (3) Ứng dụng kỹ thuật gây nuôi loài Cầy vòi hương (Paradoxurus hermaphroditus), Don (Atherurus macrourus) phục vụ công tác bảo tồn và phát triển tại Vườn Quốc gia Cát Bà; (4) Điều tra đánh giá thực trạng phân bố, số lượng, cấu trúc quần thể và đề xuất các giải pháp bảo tồn loài đặc hữu Thạch Sùng Mý Cát Bà (Goniurosaurus catbaensis) tại Vườn Quốc gia Cát Bà; (5) Nghiên cứu sử dụng công nghệ không gian và thống kê trong giám sát và quản lý loài Voọc Cát Bà. Đề xuất các giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển quần thể loài Voọc Cát Bà tại Vườn Quốc gia Cát Bà; (6) Nghiên cứu đặc điểm sinh thái và tập tính nhằm đề xuất các giải pháp bảo tồn hiệu quả loài Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus poliocephalus Trouessart, 1911) tại Vườn quốc gia Cát Bà, Hải Phòng; (7) Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nuôi trồng thủy sản bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu tại đảo Cát Bà;
+ Tiếp tục đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin được thực hiện Dự án: “Phục hồi và phát triển rừng ven biển tại Quần đảo Cát Bà, thành phố Hải Phòng, giai đoạn 2016-2020”;
+ Đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tham gia Dự án “Bảo tồn và quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển khu vực Đồng bằng Sông Hồng” tại Vườn Quốc gia Cát Bà,thành phố Hải Phòng.
6.3 Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vỹ:
Đang triển khai đúng nội dung, quy mô, tiến độ đề tài nghiên cứu khoa học đã được thành phố giao là “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo ốc đụn cái (Trochus maculatus Linnaeus, 1758) tại Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ” nhằm bảo tồn, phục hồi nguồn lợi. Hiện đang tiếp tục nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phục hồi một số loài thủy sinh quí hiếm khác (san hô, bào ngư, ốc hương, ốc đụn đực,…)
6. Tăng cường năng lực và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong việc thực thi quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; Đào tạo, tập huấn cho cán bộ và cộng đồng; Tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, v.v.
6.1 Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà:
– Làm việc với các đoàn công tác đến Khu DTSQ Cát Bà: Trung tâm Giáo dục Biến đổi khí hậu Châu Á – Khu dự trữ sinh quyển Jeju, Hàn Quốc tại Cát Bà (từ ngày 11-13/01/2017); Tổ chức Hỗ trợ phát triển tài nguyên xã hội (ASC, Scotland, Vương quốc Anh) tại Cát Bà (từ ngày 25-31/3/2017).
– Tổ chức các đoàn công tác đi tham dự các hội thảo quốc gia và quốc tế: Hội thảo Thành phố năng động với không gian công cộng: Phát triển vùng bờ tại thành phố Seoul, Hàn Quốc (từ ngày 10/7 – 14/7/2017); Hội thảo khoa học Giá trị và các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học Vịnh Hạ Long và Quần đảo Cát Bà; Hội thảo lần thứ 7 Mạng lưới các Khu DTSQ biển đảo và Tập huấn của UNESCO cho cán bộ quản lý Khu dự trữ sinh quyển biển đảo quốc tế tại Jeju, Hàn Quốc (từ ngày 12/9 – 16/9/2017); tham gia đoàn công tác của Tổ chức MCD tại Khu DTSQ Jeju, Hàn Quốc (từ ngày 23-28/10/2017);
– Tham dự Tập huấn của Bộ Tài nguyên và Môi trường về triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu cho khu vực miền Bắc; Tập huấn của IUCN về giá trị đa dạng sinh học Khu vực Quần đảo Cát Bà – Vịnh Hạ Long tại Cát Bà; Tập huấn của Viện Malik về phương pháp quản lý hiệu quả.
– Tham dự hội thảo của Học viện hành chính quốc gia về Cách mạng Công nghiệp 4.0, Hội thảo của Tổng cục Môi trường và Ủy ban Quốc gia MAB Việt Nam về Tăng cường bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam; hội thảo liên tỉnh do MCD tổ chức về Ứng phó biến đổi khí hậu tại các Khu DTSQ vùng đồng Bằng Sông Hồng tại Nam Định; Hội thảo tham vấn về bộ tiêu chí và qui trình giám sát, đánh giá hiệu quả quản lý các Khu DTSQ tại Việt Nam.
– Tổ chức đoàn công tác của Ban Quản lý đi làm việc, trao đổi kinh nghiệm tại Khu DTSQ Cần Giờ, Khu DTSQ Langbiang, tham dự hội thảo tổng kết mạng lưới Khu DTSQ Việt Nam tại Tây Nghệ An;
+ Thúc đẩy Nhãn hiệu chứng nhận Khu DTSQ Cát Bà (hiện có 18 doanh nghiệp và 20 sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, thân thiện môi trường) và Quỹ Phát triển bền vững Khu DTSQ Cát Bà;
6.2 Vườn Quốc gia Cát Bà:
+ Phối hợp tốt với Dự án bảo tồn Voọc triển khai có hiệu quả công tác bảo tồn loài Voọc và nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn Đa dạng sinh học quần đảo Cát Bà; triển khai các chương trình tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm Vườn, đáp ứng nhu cầu càng cao trong công việc; thống nhất lại việc trao đổi thông tin, báo cáo để đảm bảo phối hợp chặt chẽ, kịp thời;
+ Phối hợp với tổ chức FFI thực hiện dự án xây dựng phương pháp tổng thể bảo tồn loài Vọoc Cát Bà;
6.3 Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ:
+ Đề xuất nhiệm vụ năm 2017 về quan trắc môi trường, trình cấp thẩm quyền phê duyệt;
+ Đã xây dựng và đề xuất 4 chương trình mục tiêu:
(1) Điều tra hiện trạng và lập hồ sơ gốc, theo dõi sự biến động của các hệ sinh thái trong Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ;
(2) Điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi các loài sinh vật thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ trong Khu bảo tồn biển;
(3) Quan trắc đa dạng sinh học trong Khu bảo tồn biển;
(4) Quan trắc chất lượng môi trường nước trong Khu bảo tồn biển.
II. Một số khó khăn
– Nguy cơ suy thoái và suy giảm các loài động vật, thực vật quý hiếm và các hệ sinh thái đặc thù của Khu DTSQ: ô nhiễm môi trường biển do các hoạt động du lịch và nuôi trồng thuỷ sản không tuân thủ quy hoạch khoa học; các nguy cơ tai biến môi trường (thủy triều đỏ, dịch bọ que, công tác phòng và chữa cháy rừng); việc khai thác quá mức và huỷ diệt các nguồn tài nguyên rừng, biển: săn bắt, khai thác trái phép động vật hoang dã, cây cảnh, lâm sản ngoài gỗ; khai thác thủy, hải sản không bền vững và sử dụng cá tự nhiên còn nhỏ làm thức ăn cho cá nuôi lồng bè, hóa chất, xung điện, lưới bát quái v.v.;
– Công tác xây dựng quy hoạch và quản lý Khu Bảo tồn biển Cát Bà, quản lý bảo vệ ran san hô, cơ chế chia sẻ lợi ích nguồn gen, huy động sự tham gia của cộng đồng còn nhiều khó khăn;
Tình hình khai thác tài nguyên trái phép trong VQG Cát Bà 2005-2015
– Môi trường biển Cát Bà nhìn chung có chất lượng tốt phù hợp cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản và du lịch. Tuy nhiên, tại một số khu vực nuôi lồng bè đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ hoặc theo mùa. Cụ thể, thực hiện nhiệm vụ Quan trắc cảnh báo chất lượng môi trường vùng nuôi cá biển tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 5/2016, Trung tâm Quan trắc Môi trường biển – Viện nghiên cứu Hải sản đã quan trắc, phân tích môi trường nước tại 05 điểm thuộc vùng biển quần đảo Cát Bà gồm: Vụng Giá, Bến Bèo; Vịnh Lan Hạ; Cửa Tùng Gấu; Khu bè Hải Quân. Kết quả cho thấy chất lượng môi trường nước khu vực nuôi cá biển bằng lồng bè tại Cát Bà – Hải Phòng trong tình trạng ô nhiễm, nhiều điểm nguy cơ ô nhiễm ở mức đáng báo động (nồng độ DO, NO3-, NH4+, PO43-, dầu mỡ cao hơn GHCP, chỉ số H’ thấp, tảo độc tố ASP mật độ cao tại Bến Bèo, Vịnh Lan Hạ và Cửa Tùng Gấu).
– Các rạn san hô phân bố chủ yếu ở vùng nước ven đảo phía Đông Nam quần đảo Cát Bà, như khu vực Cống Lá, Áng Thảm, Ba Trái Đào, Vạn Bội, Cống Híp, Tùng Ngón, Cọc Chèo… tại các độ sâu 3, 6, 9 và 11 mét. Kiểu rạn san hô đặc trưng cho khu vực là kiểu rạn viền bờ và rạn đốm. Các rạn san hô hiện nay đã bị suy giảm đáng kể cả về diện tích và mức độ đa dạng của các nhóm sinh vật sống kèm (độ phủ của san hô sống < 40%), do tác động của biến đổi khí hậu và acid hóa đại dương.
– Công tác quản lý chưa được chuyên môn hóa, hiện đại: sử dụng công nghệ GIS, quan trắc tự động, cơ sở dữ liệu tài nguyên sống được cập nhật thường xuyên, chưa thành lập Mạng lưới giám sát chất lượng hệ sinh thái và môi trường Khu DTSQ; báo cáo hiện trạng Đa dạng sinh học thường xuyên;
– Vai trò kết nối của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trong công tác xúc tiến liên kết 05 nhà (nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông, tổ chức quốc tế/NGO) mặc dù có điểm sáng nhưng chưa thực sự mạnh mẽ; Còn ít mô hình hiệu quả giúp phát huy giá trị của hệ sinh thái và nguồn gen bản địa gắn với thương hiệu Khu Dự trữ sinh quyển thế giới nhằm góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao thu nhập và đời sống người dân;
– Vị thế và các giá trị, đặc trưng Khu DTSQ thế giới còn chưa được khai thác và phát huy tương xứng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa bàn; công tác xúc tiến, kêu gọi hỗ trợ và hợp tác quốc tế về bảo tồn thiên nhiên và phát triển sinh kế cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu cần được đẩy mạnh;
– Công tác xúc tiến, hội nhập mạng lưới Khu DTSQ quốc tế và đào tạo nâng cao năng lực cán bộ hội nhập mạng lưới Khu DTSQ quốc tế còn khó khăn.
– Về Tăng trưởng xanh: các nghiên cứu gần đây đã xác định một số khó khăn, thách thức chính cho Tăng trưởng xanh tại Cát Bà , bao gồm: 1) Xử lý chất thải rắn (phân loại và xử lý rác thải từ sinh hoạt, du lịch và các tàu thuyền; 2) Cấp nước, thoát nước (khai thác nước ngầm, xử lý nước thải sinh hoạt và du lịch, ô nhiễm biển cục bộ) rừng ngập mặn, rạn san hô, 3) Năng lượng (thiếu điện vào mùa du lịch , năng lượng tái tạo chưa phát triển, sử dụng than trong các nhà máy gây phát thải CO2), 4) Bảo vệ môi trường tự nhiên: tác động từ du lịch tới hệ sinh thái, sinh cảnh, hạn chế trong nghiên cứu, giám sát đa dạng sinh học, thu phí tham quan thấp không đáp ứng được nhu cầu đầu tư bảo tồn; (5) Giao thông: xe điện còn ít, phương tiện sử dụng dầu diesel còn nhiều gây phát thải ảnh hưởng đến môi trường.
Bên cạnh đó, Khu DTSQ Cát Bà cũng chịu nhiều thách thức trực tiếp từ biến đổi khí hậu, nước biển dâng và các tác động liên vùng khác, như từ các hoạt động sản xuất, giao thông, dịch vụ từ đất liền. Tình hình quản lý tài nguyên, đang dạng sinh học còn gặp nhiều khó khăn do hiện tượng một bộ phận dân cư địa phương trong mùa nông nhàn vào rừng khai thác trái phép lâm sản, động vật và thực vật hoang dã, chim di cư; tuy số vụ vi phạm đã giảm đáng kể, nhưng số bẫy động vật rừng trái phép được kiểm lâm phát hiện và tháo dỡ vẫn có xu hướng gia tăng. Các áp lực từ việc phát triển du lịch trong giai đoạn thi công và vận hành cũng sẽ tạo ra những thách thức mới cho việc tăng cường quản lý bảo vệ môi trường, tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
III. Giải pháp, kế hoạch trong thời gian tới về công tác quản lý, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học tại địa bàn
1. Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà:
– Tăng cường và đổi mới các hoạt động, nội dung tuyên truyền, quảng bá về các giá trị nổi bật của Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà; tăng cường tuyên truyền cho học sinh, sinh viên (ký thỏa thuận hợp tác với các đại học, viện nghiên cứu), cộng đồng (các trung tâm học tập cộng đồng) và du khách về Khu DTSQ; xây dựng các biểu tượng Khu DTSQ, tham gia Tuần lễ Di sản Xanh Việt Nam thường niên;
– Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và phát triển bền vững Khu DTSQ: chú trọng giám sát và bảo vệ môi trường biển, khu bảo tồn biển Cát Bà, loài quý hiếm (voọc, sơn dương, san hô v.v.); hoàn thiện, cập nhật cơ sở dữ liệu quản lý bảo tồn và phát triển bền vững Khu DTSQ;
– Đẩy mạnh tổ chức hợp tác quốc tế và trong nước về nghiên cứu, bảo tồn và phát triển Khu DTSQ; chú trọng hiệu quả quan hệ đối tác, kết nối xây dựng những chương trình, dự án hợp tác cụ thể về bảo tồn và sinh kế cộng đồng, ứng phó biến đổi khí hậu v.v.
– Tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng trong bảo tồn, phát triển Khu DTSQ: tổ chức các hội thảo, tập huấn cho các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, hướng dẫn viên du lịch; tang cường hoạt động của câu lạc bộ các lãnh đạo xã Khu DTSQ, các câu lạc bộ bảo vệ rừng cấp xã, tổ hợp tác bảo vệ và phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sáng kiến bảo vệ chim di cư dựa vào cộng đồng, nghiên cứu văn hóa biển đảo, tri thức bản địa do cộng đồng thực hiện; khởi động mạng lưới hợp tác vì sức khỏe hệ sinh thái và chất lượng môi trường Khu DTSQ Cát Bà v.v.;
2. Ban quản lý Khu Bảo tồn biển Bạch Long Vĩ:
2.1. Xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn biển, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển tiếp tục đề xuất Ủy ban nhân dân huyện các dự án đầu tư công năm 2018:
– Dự án đầu tư, lắp đặt hệ thống phao báo hiệu ranh giới các phân khu chức năng; trước mắt tập trung đầu tư phao khoanh vùng Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (Vùng lõi) và một phần diện tích trong phân khu phát triển (Khu vực đang cho nhân dân thuê mặt nước biển).
– Dự án đầu tư xây dựng 02 trạm kiểm soát nguồn lợi ven bờ để tăng cường công tác kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi.
– Đề nghị Ủy ban nhân dân huyện báo cáo thành phố cho tiếp nhận Trại sản xuất giống bào ngư Bạch Long Vĩ về Ban Quản lý Khu bảo tồn biển để phục vụ công tác sản xuất giống tái tạo nguồn lợi và kết hợp làm trạm cứu hộ động vật thủy sinh.
2.2. Công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng
– Tiếp tục phối hợp với Trung tâm văn hóa, Đài phát thanh, Ban Quản lý cảng. Đồn Biên phòng tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo tồn biển.
– Định kỳ thực hiện chuyên mục trên Đài phát thanh, truyền hình, Website của huyện về công tác tuyên truyền bảo tồn biển.
– Tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi, lắp đặt pano, áp phích tại các khu dân cư, trường học và ngư dân khai thác thủy sản tại ngư trường Bạch Long Vĩ.
– Tổ chức 1- 2 Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý KBTB. Tổ chức 1 – 2 khóa tập huấn nâng cao năng lực công tác bảo tồn biển cho cán bộ, nhân viên Ban Quản lý. Tổ chức 2 – 3 hội nghị tập huấn, tuyên truyền cho cán bộ, nhân dân và ngư dân về công tác bảo tồn biển.
– Xây dựng Website Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ và gia nhập Mạng lưới khu bảo tồn biển Việt Nam để nâng cao hiệu quả tuyền truyền, đồng thời kết nối với các khu bảo tồn biển khác trao đổi kinh nghiệm quản lý.
2.3. Công tác tuần tra bảo vệ
– Tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động khai thác trái phép trong KBTB.
– Phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng, công an, kiểm ngư, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về khai thác các loài thủy sinh quý, hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng trong khu bảo tồn.
2.4. Triển khai một số nhiệm vụ nghiên cứu bảo tồn, phát triển nguồn lợi, bảo vệ môi trường
– Tiếp tục điều tra hiện trạng và lập hồ sơ gốc theo dõi sự biến động của các hệ sinh thái.
– Tiếp tục điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi các loài sinh vật thuỷ sinh quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng được ưu tiên bảo vệ trong Khu bảo tồn biển. Tiếp tục điều tra, thu thập, lưu giữ mẫu vật 22 loài thủy sinh trong danh mục để lập hồ sơ gốc.
– Tiếp tục triển khai nhiệm vụ quan trắc đa dạng sinh học trong khu bảo tồn biển.
– Tiếp tục triển khai nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường nước trong khu bảo tồn biển. Theo dõi, thu thập chỉ số các yếu tố môi trường để lưu giữ số liệu gốc.
2.5. Công tác nghiên cứu khoa học để bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản
Tiếp tục triển khai đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình sinh sản nhân tạo ốc đụn cái (Trochus maculatus Linnaeus, 1758) tại Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ” theo đúng nội dung, qui mô, tiến độ.
Nghiên cứu bảo tồn, phục hồi nguồn lợi 1 – 2 loài nằm trong danh mục 22 loài đang được bảo tồn và phát triển trong khu bảo tồn.
Tiếp tục tìm kiếm các chương trình dự án, nghiên cứu khoa học cho KBTB nhằm phục hồi, bảo tồn: Hệ sinh thái (rạn san hô, thảm cỏ biển), đối tượng thủy sinh mục tiêu (22 loài) và tài nguyên môi trường nước. Dự án phát triển cộng đồng, tạo sinh kế bền vững bên trong và xung quang KBTB.
Leave A Comment