Nằm ở vùng biển Đông Bắc Việt Nam, Quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 150 km về phía Đông Nam, cách thành phố Hạ Long 25km về phía Nam… Di sản thiên nhiên thế giới đề cử – Quần đảo Cát Bà bao gồm khu dự trữ sinh quyển Cát Bà, vườn quốc gia Cát Bà và quần đảo Long Châu có diện tích là 33.670ha, bao gồm 13.478ha đất tự nhiên và 20.192ha mặt biển. Vùng đệm có diện tích 13.000ha. Quần đảo bao gồm 388 hòn đảo đá vôi, Đảo Cát Bà có diện tích bề mặt rộng trên 200km2, là đảo lớn nhất trong số đó. Do còn lưu giữ được vẻ hoang sơ hài hòa giữa cảnh quan rừng xanh và biển xanh như một miền ký ức sống động về lịch sử hình thành và phát triển của trái đất còn lưu giữ được – Quần đảo Cát Bà thật xứng với tên gọi thân thương là “chùm ngọc xanh trên biển khơi xanh”.
Hệ sinh thái đa dạng
Quần đảo Cát Bà nổi bật toàn cầu với rừng mưa nhiệt đới trên núi đá vôi, hang – động, rừng ngập mặn, bãi triều, hồ nước mặn, động thực vật đáy mềm, các rạn san hô rộng lớn. Tại đây có rừng nhiệt đới xanh tốt quanh năm bao gồm đảo đá lớn Cát Bà và 387 đảo nhỏ, được bao phủ bởi thảm thực vật nhiệt đới, trong phần lớn diện tích là diện tích của vườn quốc gia Cát Bà. Ở đây có khu vực rừng nguyên sinh duy nhất còn sót lại ở Cát Bà và là vùng còn giữ được trang thái tự nhiên vốn có của nó, với diện tích vào khoảng 1045,2ha nằm ở ngay vị trí trung tâm đảo. Hang động, một dạng sinh cảnh tiêu biểu của địa hình karst. Hơn thế nữa, hệ thống hang động ở Cát Bà rất độc đáo do nó chứa đựng cả hang trên cạn và hang dưới biển. Các loài động vật phổ biến ở Hàn động là dơi, chân bụng và côn trùng. Đặc biệt, các hang động ở Cát Bà còn là nơi cư trú của người nguyên thủy, cho nên nhiều hang hiện nay là các di chỉ khảo cổ quan trọng.
Sinh cảnh đất ngập triều có rừng ngập mặn bao phủ có tổng diện tích khoảng 650ha. Rừng ngập mặn là tài nguyên quý giá của vùng ven biển nhiệt đới, có giá trị trong việc che cho đới bờ khỏi bị sóng – đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển và nơi cư trú của các loài chim di cư. Các bãi triều xung quanh đảo bao gồm bãi triều cát, bãi triều đá và triều bùn là môi trường sống lý tưởng cho các sinh vật vùng triều như các loài rong, tảo biển, động đáy. Ở các bãi triều đá,các loài động vật bám phát triển dày đặc, tạo thành các khảm sinh vật là một dạng quần xã độc đáo của khu di sản.
Đáy mềm quần đảo Cát Bà là nơi sinh cư của nhiều nhóm sinh vật như động vật đáy, cá biển, thú biển nhất là các loài di cư và ưa di chuyển, trong đó có nhiều loài quý hiếm về mặt bảo tồn. 50% nguồn gien sinh vật của vùng biển này được lưu giữ ở đây, do đó đây là hệ sinh cảnh có giá trị tiềm năng cho công tác bảo tồn.
Ở hầu hết các cung lõm của các đảo đá trong khu di sản, đều có các rạn san hô phân bố ở các độ sâu: 3,6,9 và 11 mét. Được ví với những khu rừng dưới đáy biển, các rạn san hô có tính sinh học cao đặc biệt. Khu vực này là nơi tập trung cực kỳ đông đúc của các nhóm sinh vật biển. Các rạn san hô tại quần đảo Cát Bà – Long Châu là nơi lưu giữ và phát tán nguồn gen cho toàn vịnh Bắc Bộ của Việt Nam, do đó sự tồn tại của chúng là cơ sở để bảo tồn nguồn gen và bảo vệ tính đa dạng sinh học biển.
Các hồ karst chứa nước mặn hay còn gọi là tùng, áng là một dạng sinh cảnh đặc biệt của Cát Bà. Áng thường có diện tích không lớn, cho đến nay đã thống kê được 26 áng tại khu vực này.
Trung tâm đa dạng sinh học cao của Thế Giới Quần đảo Cát Bà còn là trung tâm đa dạng sinh học cao của thế giới có giá trị toàn cầu được Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp loại. Tiêu biểu là sự có mặt của 3.860 loài thực vật và động vật trên cạn và dưới biển. Có tới 130 loài được xác định là các loài quý hiếm, được đưa vào sách đỏ Việt Nam và thế giới, trong đó có 76 loài nằm trong dach mục quý hiếm của IUCN, 21 loài đặc hữu. Đặc biệt loài Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) là loài đặc hữu, hiện nay chỉ còn một quần thể với 63 cá thể phân bố duy nhất ở Cát Bà. Voọc Cát Bà cùng với một số loài thực vật và động vật được IUCN xếp hạng ở cấp cực kỳ nguy cấp.
Ngoài các loài thú, còn có nhiều nhóm động vật độc đáo và nguy cấp khác cư trú trên đảo: 62 loài bò sát và lưỡng cư, trong đó có 12 loài quý hiếm và nguy cấp, 155 loài chim bản địa và chim di cư, với loài Cốc đế (Phalacrocorax carbo sinensis) là loài quý hiếm trong sách đỏ Việt Nam và IUCN; bước đầu đã xác định được khoảng 274 loài côn trùng, tạo nên sức hấp dẫn về đa dạng và nhiều sắc màu cho quần đảo. Do môi trường đặc biệt của địa chất Caxto, nơi đây còn tồn tại nhiều loài thích nghi với các hang động đá vôi như dơi, cua, thân mềm (molluscs), nhện… có 19 loài dơi đã được ghi nhận, trong đó có tới 4 loài nằm trong danh lục sách đỏ IUCN. Đặc biệt, loài cua hang Tiwaripotamon edostilus cũng là loài đặc hữu chỉ tìm thấy ở các một số hang động như Hoa Cưong, Thiên Long ở Cát Bà.
Khu hệ sinh vật biển của quần đảo Cát Bà cũng hết sức phong phú. Cho đến nay, đã phân loại được 177 loài san hô, trong đó có 166 loài san hô cứng (hard coral) và 11 loài còn lại thuộc các nhóm các bộ san hô bò (Stolonifera), san hô mềm (Alcyonaria), san hô sừng (Gorgonacea). Bên cạnh đó, vùng biển Cát Bà còn là nơi sinh sống và phát triển của 196 loài cá biển (marine fish), 102 loài rong biển (alga), 131 loài động vật phù du (zooplankton), 400 loài thực vật phù du (Phytoplankton) và 658 loài động vật đáy (zoobenthos).
Leave A Comment