Bản đồ Khu Dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà
Vùng Lõi (8.500 ha)
Vùng Lõi là khu vực dành riêng cho bảo tồn đa dạng sinh học, giám sát các hệ sinh thái, cho phép các hoạt động nghiên cứu, giáo dục có thể triển khai không ảnh hưởng tới đa dạng sinh học của khu vực. Nhiệm vụ chính của Vùng lõi là bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn các nguồn gen động thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của Khu DTSQ. Khu DTSQ Cát Bà có hai vùng lõi, vùng lõi phía Đông Nam (6.900 ha, trong đó có 5.300 ha phần đảo, 1.600 ha phần biển) và vùng lõi phía Tây Bắc (1.600 ha, trong đó có 1.200 ha phần đảo và 400 ha phần biển).
Vùng đệm (7.741 ha)
Góp phần hạn chế các hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Vùng Lõi. Nhiệm vụ chính là phục hồi hệ sinh thái rừng, nghiên cứu cơ cấu phục vụ yêu cầu bảo tồn, tuyên truyền giáo dục kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái. Các hoạt động phát triển kinh tế, khai thác hợp lý tài nguyên, phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo… được triển khai. Khu DTSQ Cát Bà có hai vùng đệm, vùng đệm trung tâm (vùng đệm Việt Hải, 141ha) nằm giữa vùng lõi Đông Nam và vùng đệm tiếp giáp ngoài (7.500ha, trong đó có 4.800 ha phần đảo và 2.700 ha phần biển).
Vùng chuyển tiếp (10.000 ha)
Nơi tập trung đông cộng đồng dân cư địa phương, cần được khuyến khích phát triển các loại hình kinh tế phù hợp với yêu cầu phát triển bền vững, tăng thu nhập cho người dân. Khu DTSQ Cát Bà có hai vùng chuyển tiếp, vùng chuyển tiếp phía Bắc (Gia Luận, 1.300ha, trong đó có 1.100 ha phần đảo và 300 ha phần biển) và vùng chuyển tiếp phía Nam (8.700 ha, trong đó có 4.500 ha phần đảo và 4.200 ha phần biển).