Các hoạt động bảo tồn và nghiên cứu về Khu DTSQ 2017-10-23T13:52:08+07:00

– Mục tiêu quản lý bảo tồn và nghiên cứu khoa học về Khu DTSQ

Chỉ đạo xây dựng các chương trình hoạt động nghiên cứu khoa học trên các  lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và khoa học quản lý đối với khu DTSQ, đặc biệt nghiên cứu và làm rõ chức năng của từng vùng. Nghiên cứu về sự thay đổi, chuyển đổi sử dụng đất, tác động môi trường của các hoạt động kinh tế, du lịch, đề xuất các giải pháp… tạo điều kiện cho các nhà quản lý ra những quyết sách phù hợp với điều kiện và từng hoàn cảnh của địa phương.

– Nội dung chỉ đạo:

     Trên cơ sở các quy định hiện hành  về nghiên cứu khoa học trong Khu DTSQ, Ban quản lý Khu DTSQ có trách nhiệm lập kế hoạch nghiên cứu khoa học hành năm trình Uỷ ban nhân dân thành phố, trình Uỷ ban UNESCO và Uỷ ban quốc gia MAB Việt Nam phê duyệt thực hiện.

     Xây dựng đội ngũ và trợ giúp kỹ thuật: Thống kê những đề tài nghiên cứu (đã, đang và sẽ triển khai), đội ngũ chuyên gia, cán bộ cần được hoàn thiện trong kế hoạch quản lý khu DTSQ. Nhu cầu giải quyết những vấn đề thực tế quản lý và khả năng đáp ứng của các nhà nghiên cứu, chuyên gia. Khu DTSQ phải là cơ sở dữ liệu sống và được cập nhật hàng ngày thông qua việc sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS). Các thông tin này cần được xuất bản cho từng loại đối tượng từ người dân đến nhà quản lý.

– Những hoạt động cụ thể:

     Ban Quản lý Khu DTSQ Cát Bà đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế xây dựng, triển khai nhiều chương trình, dự án lớn như: Đề án xây dựng Chương trình Phát triển bền vững cho khu DTSQ Quần đảo Cát Bà (do Viện VESDI tư vấn, triển khai); ban hành Quy chế quản lý Khu DTSQ Cát Bà; tham vấn, hướng dẫn các dự án đầu tư mới vào khu DTSQ, đảm bảo tuân thủ Quy chế quản lý Khu DTSQ Cát Bà và các quy định pháp luật hiện hành.

     Công tác bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học đã được triển khai rộng khắp trên cả ba phân vùng của Khu DTSQ. Diện tích rừng trên phạm vi quần đảo Cát Bà (12.102,9 ha, bao gồm 9.931,6 ha rừng đặc dụng và 3.834,6 ha rừng phòng hộ) đã được chăm sóc, phục hồi và bảo vệ tốt. Trong VQG Cát Bà hiện còn lưu giữ được hơn 1.000 ha rừng nguyên sinh thường xanh trên đảo đá vôi được bảo vệ nghiêm ngặt.

     Công tác bảo tồn, bảo vệ các loài nguy cấp cũng được thành phố, Ban quản lý và các tổ chức đối tác quốc tế quan tâm thực hiện cấp bách. Dự án Bảo tồn loài đặc hữu nguy cấp Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus poliocephalus) đã được triển khai và duy trì từ năm 2000 đến nay (do Vườn thú Muenster và ZGAP (CHLB Đức) tài trợ) đã giúp chặn đứng xu hướng tuyệt chủng cận kề của loài này và lần đầu tiên từ năm 2003 số lượng quần thể Voọc Cát Bà bắt đầu tăng trở lại, tuy ở mức chậm. Số lượng cá thể Voọc đã tăng từ 53 (năm 2000) lên khoảng 60-70 năm 2011. Các nghiên cứu bảo tồn các loài quý hiếm và nguy cấp khác cũng đã được thành phố và BQL quan tâm đầu tư như dự án nghiên cứu phân bố, hiện trạng loài đặc hữu Cọ Hạ Long, loài Sơn Dương có nguy cơ tuyệt chủng cục bộ trên đảo Cát Bà và nhiều dự án thực nghiệm khôi phục các loài quý hiếm bản địa khác (Kim Giao, Lát hoa, một số loài phong lan vv…).

     Công tác nghiên cứu khoa học được quan tâm hỗ trợ đã đưa lại kết quả là các loài mới liên tục được phát hiện và ghi nhận cho Cát Bà: Tuế Hạ Long (Cycas tropophylla, phát hiện năm 1999); Dơi mũi xám lớn (Hipposideros grandis, năm 2006); Thạch sùng mí Cát Bà (Goniurosaurus catbaensis, năm 2009); Thằn lằn bóng phê-nô Bắc Bộ (Sphenomorphus tonkinensis, năm 2011); Dơi nếp mũi Grip-phin (Hipposideros griffini, năm 2012); nâng tổng số loài được phát hiện tại Cát Bà lên 3.157 loài.