Nằm cạnh Vịnh Hạ Long, gần Thành phố Hải Phòng, trong khu vực Đông Bắc Việt Nam, Vườn quốc gia Cát Bà là tâm điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà, là ngôi nhà chung của hơn 3150 loài động thực vật rừng và biển, trong đó: thực vật rừng trên 1.561 loài, với nhóm cây gỗ có 408 loài, cây dược liệu có 661 loài, cây làm cảnh có tới 203 loài; Hệ động vật rừng có 279 loài, với 53 loài thú, 160 loài chim, bò sát có 66 loài; Côn trùng 274 loài. Ngoài ra, VQG Cát Bà cũng sở hữu sự giàu có và đang dạng các loài sinh vật biển với khoảng 1.313 loài với 196 loài cá biển, 538 loài động vật đáy, 89 loài động vật phù du, 189 loài loài thực vật phù du, trên 75 loài rong biển và 193 loài San hô. Như vậy có thể thấy, mặc dù không thể lượng giá được bằng tiền giá trị về đa dạng sinh học, nhưng đây được coi là một tài sản vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho VQG Cát Bà. Vườn còn có nhiều loài đặc hữu quý hiếm có giá trị bảo tồn cao.
Kể từ khi được thành lập đến nay thì công tác bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của Vườn quốc gia Cát Bà. Điều đó được thể hiện là không chỉ lực lượng kiểm lâm chiếm gần hai phần ba quân số của Vườn, trực tiếp làm công tác tuần tra, bảo vệ mà còn có lực lượng cán bộ khoa học cũng nghiên cứu, đề xuất tìm ra các giải pháp bảo tồn cũng như các nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo tồn luôn được Vườn chú trọng ưu tiên cùng với các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm giúp đỡ thông qua các dự án bảo tồn đa dạng sinh học.
Tuy nhiên công tác bảo tồn còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức do các nguyên nhân : Đời sống của cộng đồng dân cư tại các khu vùng đệm của Vườn và trên đảo còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất canh tác, không có công ăn việc làm, thói quen sống dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên như săn bắt động vật, khai thác cây cảnh, cây thuốc, lấy mật ong dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, gây ra cháy rừng ; Việc phát triển nuôi trồng thủy hải sản một cách ồ ạt, không có quy hoạch gây khó khăn cho việc quản lý, hủy hoại và làm ô nhiễm môi trường biển, làm suy giảm diện tích rừng ngập mặn và tác động tiêu cực đến các rạn san hô, bên cạnh đó còn có việc tác động tiêu cực từ hoạt động du lịch như phát triển cơ sở hạ tầng như làm đường, xây dựng bến tàu làm phá vỡ cảnh quan, cùng với các hoạt động của phương tiện vận chuyển và tham quan của du khách cũng tác động tiêu cực đến đời sống động vật hoang dã, rác thải, chất thải gây ô nhiễm môi trường, một số du khách muốn thưởng thức hoặc sở hữu các đặc sản địa phương cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ suy giảm số lượng một số loài động thực vật. Bên cạnh những thách thức kể trên, công tác bảo tồn của Vườn còn có nhiều khó khăn như phương tiện, nhiên liệu, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác bảo tồn còn thiếu thốn rất nhiều.
Từ thực tiễn hoạt động công tác bảo tồn của Vườn cho thấy cần phải tìm ra nhiều giải pháp kết hợp để việc bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, môi trường Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển Cát Bà đạt hiệu quả cao hơn. Trước hết, để có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp chính quyền địa phương, Ban giám đốc Vườn cùng với Khu dự trữ sinh quyển đã tổ chức nhiều hội nghị với Đảng Ủy, Ủy ban nhân dân và các phòng ban chuyên môn của huyện Cát Hải, lãnh đạo các xã vùng đệm để các cấp chính quyền cùng vào cuộc trong công tác bảo tồn. Bên cạnh đó Vườn đã xây dựng được những quy chế phối hợp công tác với các lực lượng biên phòng, công an để hỗ trợ công tác tuần tra, bảo vệ, điều tra xử lý những vụ vi phạm lâm luật.
Nhận thức được việc tham gia công tác bảo tồn của quần chúng nhân dân cũng hết sức quan trọng nên Vườn đã tổ chức cho người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo tồn thông qua chương trình khoán bảo vệ rừng của nhà nước và một số dự án bảo tồn của các tổ chức phi chính phủ. Từ đó có sự tham gia tích của cộng đồng địa phương như tổ xung kích, câu lạc bộ khoán bảo vệ rừng. Lực lượng này đóng góp tích cực vào các hoạt động trong công tác bảo tồn như: tuần tra bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến các loài động thực vật và các tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái rừng biển và môi trường.
Công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, môi trường cho nhân dân huyện đảo, học sinh các trường học và du khách cũng được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức tuyên truyền sinh động thông qua các buổi truyền thông, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu đa dạng sinh học, tổ chức tham quan thực tiễn và tìm hiểu các giá trị của Vườn quốc gia và Khu dự trữ sinh quyển. Vườn cũng ký quy chế phối hợp và tiến hành các hoạt động tuyên truyền bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực với Ban quản lý Vịnh Hạ Long và Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Xác định được việc tìm các sinh kế thay thế cho người dân là hết sức quan trọng trong việc giảm thiểu sự phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên làm kế sinh nhai của nhân dân các xã vùng đệm, từ đó Vườn đã lỗ lực tìm các sự hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ các dự án bảo tồn và phát triển trong và ngoài nước để giúp cộng đồng dân cư phát triển kinh tế và thay đổi sinh kế như giúp đỡ phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình nuôi ong, nuôi dê, trồng rau sạch, trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi trồng thủy sản, trồng cây thuốc…vv.
Để tranh thủ được sự quan tâm ủng hộ của Ủy ban nhân dân và các Sở ban ngành của thành phố Hải Phòng, của Bộ Nông nghiệp & PTNT, Bộ Tài nguyên –Môi trường, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, cùng các tổ chức trong và ngoài nước thì Ban giám đốc Vườn luôn chủ động xây dựng và đề xuất các chương trình, dự án, và các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học lên các cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt để thực hiện.
Cùng với việc thực hiện những giải pháp nói trên thì việc đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn của Vườn luôn được quan tâm chú trọng và tiến hành thường xuyên để đáp ứng yêu cầu công tác, cũng như tăng cường hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm với các vườn quốc gia khác.
Tóm lại : Bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn công tác bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Bà là : cần tranh thủ sự quan tâm ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ với các lực lượng, ban ngành địa phương, có sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư và bên cạnh việc thực thi pháp luật, cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức cho người dân, đồng thời tìm các sinh kế thay thế giúp cộng đồng dân cư phát triển kinh tế, tăng cường năng lực cho đội ngũ làm công tác bảo tồn, đồng thời hợp tác hiệu quả với các tổ chức trong nước và quốc tế trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác bảo tồn.
Hy vọng với những kinh nghiệm từ thực tiễn công tác bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Cát Bà sẽ góp phần bảo vệ tốt hơn nữa nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá của Cát Bà, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn đa dạng sinh học cả nước nói chung và để Cát Bà sớm được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới.
Leave A Comment