Nằm trên đảo lớn nhất của quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải, TP.Hải Phòng), Vườn Quốc gia (VQG) Cát Bà là một trong những khu dự trữ sinh quyển của thế giới và là khu rừng đặc dụng có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam. Ngoài vai trò bảo tồn đa dạng tài nguyên thiên nhiên, Vườn còn có ý nghĩa lớn với an ninh quốc phòng và phát triển du lịch sinh thái.
Nhiều giá trị đặc trưng
Nói đến VQG Cát Bà là nói đến một trong những vườn quốc gia có hệ sinh thái hải đảo quan trọng của Việt Nam. Vườn được thành lập ngày 31/3/1986 theo quyết định số 79/CP của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ), là vườn quốc gia đầu tiên trong cả nước thành lập có đủ cả hệ sinh thái rừng và biển. Năm 2004, VQG Cát Bà nằm trong Quần đảo Cát Bà đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Sau hơn 35 năm phát triển, từ một nông – lâm trường nhỏ làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, VQG Cát Bà đã không ngừng lớn mạnh và khẳng định vai trò quan trọng. Trong đó, diện tích Vườn đã nâng lên đáng kể, tổng diện tích hiện nay là 17.362,96ha; tính đa dạng sinh học cũng tăng cao với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm. Là tâm điểm của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà, Vườn tiêu biểu cho các hệ sinh thái biển – đảo nhiệt đới, cận nhiệt đới điển hình của châu Á, tạo nên cảnh quan và môi trường sống vô cùng phong phú.
Theo thống kê, hiện Vườn đang là nơi trú ngụ của trên 4.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như: Voọc Cát Bà đầu trắng, sóc đen, sơn dương, khỉ lông vàng, thạch sùng mí Cát Bà… cùng với đó là những giá trị lịch sử vẫn còn được bảo tồn cho tới ngày nay. Đặc biệt, nơi đây là khu bảo tồn duy nhất của Việt Nam và thế giới đang tồn tại các quần thể nhỏ của loài Voọc Cát Bà; số lượng hiện đã tăng lên đến 75-78 cá thể.
Những năm qua, Vườn đã thực hiện thành công khoảng 15 đề tài, dự án cấp bộ, thành phố và cơ sở nhằm bảo tồn và phát triển nguồn gen động, thực vật. Đặc biệt, có 14 dự án của các tổ chức phi chính phủ phối hợp đầu tư, nâng cao năng lực quản lý, lãnh đạo nhằm phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên trên huyện đảo.
Trong thời gian tới, VQG Cát Bà từng bước phấn đấu trở thành trung tâm đa dạng sinh học quốc gia và quốc tế.
Nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, Vườn đã xây dựng và cải tạo các tuyến, điểm du lịch. Đến nay, có rất nhiều loại hình du lịch sinh thái phát triển phong phú mang lại cho du khách nhiều lựa chọn như: Khám phá hệ sinh thái vịnh biển; khám phá tài nguyên thiên nhiên, du lịch cộng đồng, trải nghiệm cuộc sống của người dân địa phương,…
Cùng với đó, đào tạo đội ngũ cán bộ hướng dẫn có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; giáo dục hướng cho du khách và người dân về tình yêu thiên nhiên, ý thức bảo vệ rừng, môi trường sống, góp phần làm đẹp, giữ gìn cảnh quan môi trường. Hàng năm VQG Cát Bà đã thu hút trên 100 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước.
Hướng đến phát triển bền vững
Không chỉ sở hữu hệ sinh thái đa dạng, thu hút đông đảo khách du lịch, VQG Cát Bà còn là nơi điển hình trong công tác bảo vệ môi trường. Ban quản lý Vườn đã phối hợp với UBND huyện Cát Hải và các cơ quan ban ngành đẩy mạnh quản lý bảo vệ tài nguyên rừng, biển, phòng chống cháy rừng và quản lý các hoạt động du lịch.
Ngoài ra, tích cực phối hợp tổ chức các chương trình, dự án bảo tồn và phát triển như: Dự án bảo tồn Voọc Cát Bà của Hội Động vật về Bảo tồn loài và quần thể và Vườn thú Muenster – Đức; chương trình bảo tồn và phát triển Cát Bà của tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế FFI; chương trình trồng rừng ven biển, trồng rừng đền bù khí thải CO2,… Các giá trị bảo tồn được chia thành các vùng chức năng, gồm không gian bảo vệ nghiêm ngặt – vùng lõi, không gian được bảo vệ có hạn định – vùng đệm, không gian hỗ trợ và khuyến khích phát triển cộng đồng – vùng chuyển tiếp.
Ban quản lý Vườn cũng nghiên cứu và ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể đầu tư cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học; thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo để nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ; tăng nguồn kinh phí đầu tư; hỗ trợ máy móc, thiết bị phục vụ công tác quản lý đa dạng sinh học.
Ông Nguyễn Văn Thịu, Giám đốc VQG Cát Bà cho biết, thời gian tới, Vườn sẽ tiếp tục áp dụng có hiệu quả các Luật lâm nghiệp, Luật đa dạng sinh học, Luật thủy sản cùng các văn bản của Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng đối với hệ thống rừng đặc dụng. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa quyết định trong việc duy trì, phát triển bền vững, là mục đích lớn nhất của công tác bảo tồn đa dạng sinh học của Vườn cũng như Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng, ngăn chặn kịp thời các tác động xâm hại đến đa dạng sinh học trên Quần đảo Cát Bà.
Trong đó, trước mắt thực hiện thu hồi, giải phóng các hộ nuôi cá lồng, di chuyển sang khu vực khác nằm ngoài diện tích bảo vệ của Vườn; đảm bảo sinh kế người dân, đồng thời không gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan.
Song song với đó, phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tháo dỡ các công trình trên diện tích rừng đặc dụng và mặt nước để kinh doanh du lịch khi chưa được cơ quan chức năng phê duyệt và không chấp hành đúng quy định.
“Đây là những nhiệm vụ quan trọng và nhiều khó khăn, thách thức nhưng Vườn sẽ quyết tâm phối hợp cùng các cơ quan chức năng; đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động người dân để thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ được thành phố giao, đặc biệt là từng bước xây dựng Quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới”, Giám đốc Nguyễn Văn Thịu chia sẻ.
Nguồn: https://vccinews.vn/