Hưởng ứng Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ), Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An, Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP), Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển miền Tây Nghệ An và các đối tác tổ chức Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2024.
Các đại biểu dự lễ mít tinh
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) năm 2024 diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9/11, tại thành phố Vinh (Nghệ An) là dịp để ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc phát triển và quản lý các KDTSQ thế giới, và là cơ hội để nhìn lại, đánh giá vai trò quan trọng của các KDTSQ trong việc góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững và ý nghĩa của KDTSQ trong bức tranh bảo tồn môi trường toàn cầu. Chuỗi sự kiện là nỗ lực để khẳng định vai trò và cam kết của Việt Nam đối với việc quản lý và phát triển bền vững các KDTSQ, góp phần tạo ra tác động dài hạn cho bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới là danh hiệu do Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng cho các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học. Khu dự trữ sinh quyển được coi là “nơi học tập để phát triển bền vững”, nơi thử nghiệm các phương pháp tiếp cận liên ngành để tìm hiểu và quản lý những thay đổi cũng như các tương tác giữa các hệ thống sinh thái và xã hội, bao gồm việc ngăn ngừa xung đột trong công tác quản lý đa dạng sinh học. Đây là một mô hình về sự chung sống hài hòa giữa con người và thiên nhiên, trong đó việc bảo tồn thiên nhiên đi đôi với phát triển đời sống kinh tế xã hội bền vững cho cộng đồng địa phương. Kể từ khi được thành lập vào năm 1976 đến nay, mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới phát triển rộng khắp trên các châu lục của thế giới, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Ngày 3/11 hàng năm đã được MAB-ICC/UNESCO thông qua là Ngày Quốc tế Khu Dự trữ sinh quyển.
Kể từ năm 2000 khi KDTSQ Rừng ngập mặn Cần Giờ là KDTSQ thế giới đầu tiên được công nhận tại Việt Nam, hiện đã có 11 KDTSQ thế giới được công nhận trên toàn quốc. Các KDTSQ đang đóng giữ vai trò quan trọng đối với cuộc sống của hàng triệu người dân và ngôi nhà của các hệ động thực vật bản địa phong phú, các loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp với diễn biến khôn lường, các KDTSQ là một trong các yếu tố quan trọng giúp cân bằng khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học nhờ vào các chức năng bảo tồn, hỗ trợ và phát triển.
Chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế về Khu dự trữ sinh quyển năm 2024 từ ngày 7 đến ngày 9/11 tại tỉnh Nghệ An là nỗ lực để khẳng định vai trò và cam kết của Việt Nam đối với việc quản lý và phát triển bền vững các KDTSQ, góp phần tạo ra tác động dài hạn cho bảo tồn và phát triển cộng đồng.
Với sự chủ trì của Bộ TN&MT và UBND tỉnh Nghệ An, Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày quốc tế về Khu Dự trữ sinh quyển đã được tổ chức long trọng với sự tham gia của các cơ quan ban ngành Trung ương, địa phương, các tổ chức quốc tế như UNDP, UNESCO, chính quyền địa phương và đại diện các cộng đồng sinh sống trong các KDTSQ tại Việt Nam. Buổi lễ là dịp để Chính phủ và người dân Việt Nam cùng đồng lòng thể hiện cam kết về phát triển bền vững và bảo tồn thiên nhiên tại các KDTSQ và ở Việt Nam.
Ban tổ chức hội thảo trao hoa tri ân các cá nhân có đóng góp cho mạng lưới Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam 2024
Được tổ chức thường niên từ năm 2013 với sự chủ trì của Ủy ban Con người và Sinh quyển Việt Nam (MAB Việt Nam), Hội thảo tổng kết Mạng lưới các KDTSQTG của Việt Nam 2024 là dịp để nhìn lại một năm hoạt động, mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng 11 KDTSQTG của Việt Nam đều đang nỗ lực từng ngày và ngày càng nhận được sự công nhận rộng rãi vì những đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển kinh tế – xã hội – môi trường một cách bền vững và đóng góp cho việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững của quốc gia và toàn cầu. 11 cá nhân có các đóng góp xuất sắc cho tiến trình phát triển Mạng lưới các KDTSQ thế giới của Việt Nam trong suốt 24 năm qua cũng đã được tri ân trong sự kiện này.
Cùng ngày, diễn ra Tọa đàm “Phát triển sinh kế cộng đồng tại vùng đệm các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam” nhằm kết nối và chia sẻ kiến thức xây dựng, phát triển sinh kế cho cộng đồng địa phương cho các KDTSQ từ kinh nghiệm thực hiện các Dự án tài trợ nhỏ trong khuôn khổ dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” (dự án BR) do Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) thực hiện.
Triển lãm các sản phẩm về bảo vệ sinh quyển tại chuỗi sự kiện
Khép lại chuỗi sự kiện, hoạt động khảo sát thực địa tại Vườn Quốc gia Pù Mát tạo ra cơ hội tiếp xúc trực tiếp với thực tiễn bảo tồn KDTSQ, nhằm thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực quản lý và truyền cảm hứng cho những sáng kiến mới. Xuyên suốt chuỗi sự kiện này sẽ có sự hiện diện của không gian triển lãm về hoạt động và vẻ đẹp thiên nhiên của các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có trưng bày các đặc sản, nông sản địa phương từ các cộng đồng sinh sống trong các KDTSQ.
Leave A Comment