Cát Bà hiện có 77 di chỉ khảo cổ được phát hiện và khảo sát, trong đó có 42 di tích lưu tồn và chứa các di vật thời tiền sử, 4 di tích chứa dấu tích cổ sinh thời Pleistocene, 8 hang động, mái đá có dấu vết văn hoá khảo cổ.
Các di chỉ nổi tiếng là gồm có: Di chỉ bến Cái Bèo (toạ độ 20.43’8”B, 107.3’2”Đ), thuộc thị trấn Cát Bà, được M.Colami phát hiện và khai quạt lần đầu năm 1938, từ đó đã có thêm 6 lần khai quật (1972, 1973, 1982, 1986, 1997 và 2006), với niên đại 7000 – 6000 năm cách ngày nay; Hang Đá Hoa ở Trung tâm xã Gia Luận, được khai quật năm 1997 đã phát hiện 2 răng đười ươi (Pongo-Pygmaeus) hoá thạch, răng dím và hươu, tê giác hoá thạch. Các di chỉ có giá trị khác gồm: Động Thiên Long, Hùng Sơn, Trung Trang, di chỉ Cát Đồn, Tùng Gôi, Miếu Gôi, Làng Cũ, Ao Cối, Bãi Bến, Đồng Công, Giếng Nhái, các hang Chuồng Dê, Chuồng Bò, Hang Dơi, áng Mả, Eo Bùa, Tùng Bồ,…
Ở Cát Bà hiện nay còn lưu giữ được nhiều công trình độc đáo như đền thờ “Các Bà”, “Các Ông”, thành Nhà Mạc, các lễ hội truyền thống. Nhân dân Cát Bà theo phong tục quần cư làng xã Việt. Cát Bà còn có nghệ thuật ẩm thực hải sản cực kỳ đặc sắc, độc đáo.
Văn hoá miền biển đảo
Người dân định cư trên đảo có nguồn gốc từ nhiều nơi họp thành là cộng đồng những người sống bằng nghề biển vùng Duyên Hải. Các làng xã trên đảo nằm sát biển tiện cho nghề nghiệp đánh bắt. Làng xã khu Cát Bà nằm ở thung lũng có thế mở nhìn ra biển, nơi có dòng nước ngọt quanh năm, trên bến dưới thuyền. Do đặc điểm sống gắn bó với biển nên chèo thuyền, đua thuyền là sinh hoạt văn hoá, hội đua thuyền chính là ngày hội xuống nước của các làng chài Cát Hải. Chính ở nơi đầu sóng ngọn gió, với sức sống, tinh thần lao động sáng tạo, người dân ở đây đã để lại những giá trị văn hoá độc đáo. Trên thị trấn Cát Bà ngày nay còn lại dấu tích nơi đền thờ các bà trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc. Hòn cẩm thạch của làng Gia Luận đã từng là nơi tập kết dấu cọc gỗ lấy từ Vân đồn để góp phần làm lên chiến thắng quân Nam Hán trong trận Bạch Đằng Giang của Ngô quyền năm 938. Tại xã Xuân Đám còn lại một phần kiến trúc bức tường thành xếp đá được xây dựng từ thời nhà Mạc thế kỷ XVI. Người dân trên đảo cũng rất tự hào về con đường học hành, đỗ đạt của cha ông một thời.
Hoạt động kinh tế chính của khu vực:
- Vùng Lõi: Chỉ tiến hành các hoạt động bảo tồn, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch sinh thái (có sự tham gia của cả khối nhà nước, tư nhân và cộng đồng dân cư)
- Vùng Đệm: có các hoạt động dịch vụ du lịch, trồng cây gây rừng, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, gia cầm, làm vườn, trồng cây ăn quả, nuôi trồng thuỷ hải sản, đánh bắt cá, chế biến hải sản, vận chuyển
- Chuyển tiếp: gồm các hoạt động kinh doanh thương mại, xây dựng, sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc, chế biến hải sản, vận chuyển./.