Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ thế giới

/Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ thế giới
Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ thế giới 2018-02-09T08:40:54+07:00

Kế hoạch hành động Lima là một kế hoạch nhằm thực hiện Chiến lược của Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc UNESCO và Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2016-2025, được các quốc gia phê chuẩn tại cuộc họp Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển UNESCO (MAB ICC) lần thứ 28 ngày 19/03/2016 tại Lima, Thủ đô nước Cộng hòa Peru, gọi tắt là Kế hoạch hành động Lima.

Kế hoạch hành động Lima 2016-2025 kế thừa Chiến lược Seville, Khung pháp lý của Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và dựa trên kết quả đánh giá thực hiện Kế hoạch hành động Madrid về các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2008-2013.

Mục tiêu chính của Kế hoạch này là đảm bảo duy trì, phát triển Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thành những mô hình hoạt động hiệu quả về phát triển bền vững tại cấp độ địa phương; chú trọng xây dựng các cộng đồng dân cư thịnh vượng, hài hòa với sinh quyển nhằm góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hiệp Quốc, cả trong và ngoài Khu Dự trữ sinh quyển. Đây là văn bản định hướng hoạt động quan trọng, tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động toàn cầu cho các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trong giai đoạn 2016-2025.

Kế hoạch hành động Lima bao gồm các lĩnh vực hoạt động chiến lược và các hành động toàn cầu cho quản lý các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trong giai đoạn 2016-2025, bao gồm: 

  • 05 lĩnh vực hành động chiến lược, chia thành:

  • 29 nhóm và 62 hành động chiến lược, trong đó:

  • 32 hành động chiến lược cần được trực tiếp thực hiện bởi các Khu Dự trữ sinh quyển.

05 lĩnh vực hành động chiến lược cụ thể bao gồm:

  • Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả về phát triển bền vững;

  • Kết nối và hợp tác năng động, rộng mở và hướng vào kết quả trong Chương trình MAB và Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới;

  • Quan hệ đối ngoại hiệu quả và ngân sách đầy đủ, bền vững cho Chương trình MAB và Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (WNBR);

  • Truyền thông, thông tin và chia sẻ dữ liệu toàn diện, hiện đại, cởi mở và minh bạch;

  • Quản trị hiệu quả của, và trong Chương trình MAB và Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới.

Là cơ quan đầu mối quốc gia về các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam, Ủy ban Quốc gia Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) Việt Nam đã phổ biến Kế hoạch này tới các Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam (Công văn số 05/MABVN ngày 22/3/2017 về việc triển khai Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ thế giới giai đoạn 2016-2025) để nghiên cứu, triển khai thực hiện tùy thuộc theo điều kiện và đặc thù của các địa phương, có phân kỳ phù hợp (giai đoạn 2016-2025) để thực hiện; hàng năm báo cáo thực hiện gửi về MAB Việt Nam.

Căn cứ Công văn số 2128/UBND-TL ngày 19/4/2017 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc “thực hiện Kế hoạch hành động Lima về các Khu dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO giai đoạn 2016-2025”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Quần đảo Cát Bà) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thành viên Ban Quản lý Khu DTSQ Cát Bà xây dựng Chương trình thực hiện Kế hoạch hành động Lima về các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới giai đoạn 2016-2025.

MỘT SỐ CĂN CỨ XÁC ĐỊNH NHIỆM VỤ:

Căn cứ quốc tế:

  • Khung pháp lý của Mạng lưới các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới;

  • Kế hoạch hành động Lima về Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) của UNESCO và Mạng lưới các Khu DTSQ thế giới giai đoạn 2016-2025;

  • Các thỏa thuận hợp tác quốc tế đã ký kết, tham gia thành viên: Khu DTSQ Avon (Pháp), Khu DTSQ Shina Dadohae (tỉnh Jeollanamdo, Hàn Quốc); Mạng lưới các Khu DTSQ Đông Nam Á (SeaBRnet), Mạng lưới các Khu DTSQ biển đảo (WNICBR), Mạng lưới trực tuyến về Môi trường của các Chính quyền địa phương toàn cầu (ENCYNET), v.v..;

Căn cứ quốc gia, thành phố:

  • Công văn số 05/MABVN ngày 22/3/2017 của MAB Việt Nam về việc triển khai Kế hoạch hành động Lima về các Khu DTSQ thế giới giai đoạn 2016-2025 và Công văn số 2128/UBND-TL ngày 19/4/2017 của UBND Thành phố vv thực hiện Kế hoạch hành động Lima về các Khu Dự trữ sinh quyển thế giới của UNESCO giai đoạn 2016-2025;

  • Thông tư số 02/2017/BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường;

  • Thông tư số 32/2014/TT-BNNPTNT ngày 10/9/2014 của Bộ NN&PTNT quy định hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ NN&PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản; Công văn số 3006/TCTS-NTTS ngày 03/11/2016 của Tổng cục Thuỷ sản hướng dẫn triển khai nhiệm vụ quan trắc môi trường trong nuôi trồng thủy sản;

  • Quy chế quản lý Khu DTSQ thế giới Quần đảo Cát Bà (ban hành tại Quyết định số 1497/QĐ-UB ngày 08/7/2005 của Ủy ban nhân dân thành phố);

  • Quyết định 1409/QĐ-UBND ngày 31/8/2012 của UBND Thành phố Hải Phòng: ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020: (các nhiệm vụ giao BQL Khu DTSQ Cát Bà: 1. Bảo vệ môi trường biển, ven biển gắn với phát triển tài nguyên biển, bảo tồn đa dạng sinh học khu vực VQG Cát Bà, Khu Dự trữ sinh quyển; 2. Phát triển và sử dụng hiệu quả Quỹ Phát triển bền vững Khu DTSQ Quần đảo Cát Bà);

  • Quyết định số 2089/2014/QĐ-UBND ngày 02/10/2014 về việc ban hành Qui chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố; Công văn số 5995/VP-MT ngày 15/9/2016 của UBND thành phố về việc thực hiện Chỉ thị 225/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường;

  • Quyết định số 2095/2014/QĐ-UBND ngày 03/10/2014 về phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về chuyển tải hàng hóa, xăng dầu tại khu chuyển tải Lan Hạ, huyện Cát Hải;

  • Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biển giới, hải đảo (KH số 92/KH-UBND ngày 14/4/2017 của UBND TP); Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy về công tác tuyên truyền biển, đảo và biên giới đất liền năm 2017 (Hướng dẫn số 15-HD/BTGTU ngày 14/3/2017 của Ban Tuyên giáo Thành ủy);

  • Kế hoạch số 02/KH-UBND của Ủy ban nhân dân thành phố ngày 04/01/2017 về thực hiện chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 29/8/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về thực hiện Nghị Quyết đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết đại hội lần thứ XV Đảng bộ thành phố, “về đẩy mạnh công tác đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế, mở rộng không gian kinh tế, tăng cường liên kết vùng”.